Văn hóa

Văn hóa ứng xử trong ngành y tế – Khéo léo, lịch thiệp, tôn trọng, chân thành để hiểu nhau hơn!

Ứng xử có văn hóa giữa bác sĩ với bệnh nhân hay giữa các cán bộ y tế với nhau là điều nên làm để gây dựng niềm tin, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp. Chính thái độ, tinh thần tận tâm tận tụy với nghề là liều thuốc tinh thần vô giá để cứu chữa bệnh nhân. Hình ảnh người thầy thuốc “Lương y như từ mẫu” vẫn mãi còn đó, thể hiện văn hóa ứng xử trong ngành y tế khéo léo, tôn trọng, chân thành để con người xóa nhòa khoảng cách với nhau. Vậy trong bệnh viện, ứng xử như thế nào cho phải lẽ, phải đạo, có văn hóa, hãy đọc ngay bài viết sau!

Sự cần thiết của văn hóa ứng xử trong ngành y tế

Sự cần thiết của văn hóa ứng xử trong ngành y tế
Văn hóa ứng xử trong ngành y tế giữu một vai trò quan trọng đối với bệnh nhân và thân nhân người bệnh

Khi vào bệnh viện, dù là bệnh nhân hay thân nhân người bệnh đều có tâm trạng lo lắng, bồn chồn, có nhiều vấn đề khúc mắc cần giải đáp. Do đó, ngoài việc giỏi chuyên môn các cán bộ y tế còn cần có kỹ năng ứng xử khéo léo để họ được yên tâm phần nào. Văn hóa ứng xử trong ngành y tế thể hiện:

  • Tính chuyên nghiệp của các bác sĩ
  • Giúp người thầy thuốc hoàn thành sứ mệnh mà nhân dân giao phó
  • Khẳng định vị thế của người  thầy thuốc
  • Giúp tránh được những tình huống xích mích, bức xúc không đáng có trong giao tiếp
  • Gây dựng được niềm tin ở phía người nhà bệnh nhân và bệnh nhân
  • Làm tư tưởng, tinh thần bệnh nhân thoải mái, đem lại hiệu quả tích cực trong quá trình điều trị bệnh
  • Khiến bệnh nhân cảm thấy được giúp đỡ, tôn trọng, tạo sự hài lòng với bệnh viện
  • Chất lượng dịch vụ tại bệnh viện ngày một nâng lên
  • Gắn kết các mối quan hệ lại gần nhau hơn

Các bệnh nhân khi tìm đến các bệnh viện, phòng khám họ luôn mong muốn được cảm thông, yên tâm nhận được câu trả lời thỏa đáng nhất. Ấy vậy mà nhiều bác sĩ dùng những ngôn từ gây tâm lý hoang mang lo sợ như: “để bệnh nặng như này mới đến đây, đến chịu ông bà’’, “giờ chỉ có trời mới cứu được”, “chậm một hôm nữa chắc là nghẻo”, “sao đến mức này mới vào viện vậy”,… Những lời nói này tác động mạnh mẽ đến tâm lý bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, khiến họ càng thêm hoảng loạn. Vậy nên, các y bác sĩ cần cởi mở, nhẹ nhàng, thực sự cảm thông dựa trên văn hóa ứng xử trong ngành y tế sau:

Cách ứng xử khôn khéo, văn minh của bác sĩ để được lòng bệnh nhân, đồng nghiệp 

Trấn an tinh thần bằng cách ứng xử khéo léo là liệu pháp tốt nhất chữa lành mọi bệnh.

1. Chủ động lịch thiệp, khéo léo chào hỏi bệnh nhân trước

Ngay từ lần đầu gặp gỡ, bác sĩ tự giới thiệu về tên tuổi, chức danh, bộ phận,… cho bệnh nhân biết. Bác sĩ hoặc cán  bộ y tế cần mỉm cười chào hỏi với giọng nói ân cần, thân thiện. Đặc biệt, xưng hô với bệnh nhân hoặc đồng nghiệp phù hợp với tuổi tác, phong tục tập quán, không nên thể hiện sự suồng sã ngây từ lần đầu giao tiếp.

Cách ứng xử khôn khéo, văn minh của bác sĩ để được lòng bệnh nhân, đồng nghiệp 
Là bác sĩ hay cán bộ y tế cũng cần chủ động lịch thiệp, khéo léo chào hỏi bệnh nhân trước

Người thầy thuốc hay quan sát để ý đến bệnh nhân một cách tinh tế, tránh nhìn chằm chằm để bệnh nhân cảm thấy được thoải mái. Hãy quan sát nụ cười, nét mặt, điệu bộ và nắm bắt những thông tin về bệnh tình của bệnh nhân.

2. Tôn trọng mọi người

Tôn trọng những vấn đề riêng tư của mọi người là điều bác sĩ nên làm. Không phán xét, soi mói, chỉ trích, đàm tiếu về đời tư bệnh nhân như nghề nghiệp, chức vụ,… không phân biệt đối xử bệnh nhân này với bệnh nhân kia.

Với đồng nghiệp: cần có sự tôn trọng sự khác nhau về trình độ, học vấn, khả năng làm việc của mọi người. Khi đồng nghiệp làm sai, hãy thẳng thắn góp ý, trao đổi nhã nhặn để họ cảm thấy được tôn trọng.

3. Ngôn ngữ giao tiếp dễ hiểu, giọng nói thể hiện sự ấm áp

Bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế luôn tạo ra không khí giao tiếp thoải mái để bệnh nhân có thể giãi bày hết tâm sự của mình, chia sẻ tâm bệnh để đôi bên hiểu nhau. Khi bệnh nhân trình bày xong thông tin, bác sĩ cần có câu hỏi chốt để kiểm định lại thông tin người bệnh đồng thời thể hiện sự lắng nghe tích cực để thu nhận thông tin của mình.

Bạn nên chú ý, đặt câu hỏi phải rõ ràng. Mỗi lần chỉ hỏi 1 câu và chờ bệnh nhân trả lời xong mới hỏi tiếp.

Bên cạnh đó, khi nói cán bộ y tế cần nói với âm điệu vừa đủ, giọng nhẹ nhàng, không nhanh quá, chậm quá. Nói câu có chủ ngữ vị ngữ, không nói bỏ lửng câu. Không dùng những từ lơ mơ không rõ nghĩa như: hình như vậy, không biết thế nào, có lẽ là, làm sao tôi biết được…

4. Lắng nghe, thấu cảm với  bệnh nhân

Lắng nghe để bệnh nhân cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy mình được quan tâm. Do đó, người bác sĩ cần lắng nghe tích cực: nét mặt vui, đầu gật, tập trung trả lời các câu hỏi ngắn, nhìn về hướng người nói, không thờ ơ, không nhìn đi chỗ khác. Khi cần ghi chép thì ghi chép thật nhanh sau đó tiếp tục lắng nghe, thể hiện sự cảm thông sâu sắc tới bệnh nhân.

Lắng nghe, thấu cảm với  bệnh nhân
Bênh nhân luôn mong muốn được giúp đỡ thấu cảm sâu sắc

Đặc biệt người thầy thuốc còn lắng nghe để thấu cảm với đồng nghiệp. Đồng nghiệp mệt mỏi, cần dãi bày tâm sự bạn có thể dành chút thời gian lắng nghe điều họ nói. Sự hỏi han, giúp đỡ đồng nghiệp bằng lời động viên chia sẻ, hay những việc làm thiết thực sẽ khiến tình cảm đi lên.

5. Không quên khen ngợi họ

Thường xuyên động viên khích lệ bệnh nhân và mọi người. Đặc biệt, không ngừng khen ngợi khi tình hình bệnh nhân có tiến triển tốt để họ có động lực cố gắng vượt lên bệnh tật.

6. Chân thành với tất cả mọi người

Với đồng nghiệp, chân thành để cùng nhau làm việc hiệu quả hơn, sẻ chia khó khăn sau những giờ làm việc căng thẳng; với bệnh nhân chân thành chăm sóc tận tâm để họ cảm thấy sự nhiệt tình, thành ý của đội ngũ y bác sĩ.

7. Văn hóa ứng xử trong hình thức, tác phong thường ngày

Để trở thành một bác sĩ có văn hóa ứng xử tốt hình thức bên ngoài cũng rất quan trọng, nó tạo nên nét riêng cá nhân, thể hiện sự tôn trọng của bác sĩ với mọi người.

  • Trang phục phù hợp với môi trường y tế
  • Tóc tai gọn gàng, không nhuộm màu quá lòe loẹt, móng tay cắt ngắn
  • Không quá phô trương đồ trang sức
  • Không trang điểm đậm khi tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân
  • Đi lại nhẹ nhàng, tránh gây ra tiếng động
  • Thái độ lịch sự, nhanh nhẹn, biểu hiện sự quan tâm, chia sẻ
  • Tránh những cử chỉ: đập tay vào bàn mạnh, chỉ tay, phẩy tay, hất hàm,…
  • Thân thiện, nét mặt vui vẻ khi bệnh nhân có tiến triển tốt
  • Không tỏ ra cáu kỉnh, lạnh lùng, khó chịu

Tuy nhiên, thực tế cho thấy văn hóa ứng xử trong bệnh viện hiện nay chưa thật sự tốt. Sau mỗi ca trực, sau ca mổ, ca cấp cứu căng thẳng thân nhân hoặc bệnh nhân vẫn nghe thấy những lời trao đổi, xì xào kém văn hóa của đội ngũ các y bác sĩ với nhau. Họ chì chiết những bệnh nhân liên quan đến nghề mại dâm hoặc bàn tán về gia đình bệnh tật của ai đó, hay những lời nói tục tĩu than vãn,…

Để hình ảnh người thầy thuốc mãi đẹp trong mắt mọi người thì đội ngũ y bác sĩ cần trau dồi kiến thức về văn hóa ứng xử trong ngành y tế, không ngừng nâng cao y đức của mình. Bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế, đạo đức con người đang bị nền kinh tế thị trường chi phối. Song người thầy thuốc cần giữ lấy cái tâm trong sáng của mình cứu đời, cứu người để lớp lớp thế hệ kính trọng.

3.5/5 - (2 bình chọn)

Phan Hiền

Chia sẻ kinh nghiệm, những giá trị sống tích cực đang được rất nhiều các bạn trẻ học tập và làm theo.
Đăng ký nhận thông báo
Nhận thông báo
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Back to top button