Văn hóa

Nâng cao văn hóa ứng xử trong công an nhân dân và bộ quy tắc  trong thời kỳ mới

Văn hóa ứng xử trong Công an nhân dân là hệ thống những giá trị chi phối nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của từng cá nhân, tổ chức Công an. Đồng thời, phản ánh trình độ, phẩm chất đạo đức của cán bộ Công an trong tình hình mới, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh đoàn kết, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Điểm nổi bật trong văn hóa ứng xử của công an nhân dân trong thời kỳ mới

Trên cơ sở kế thừa truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc, văn hóa ứng xử trong Công an nhân dân giữ một vai trò quan trọng. Nó là cơ sở trong việc xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an tận tâm, tận tụy vì dân phục vụ; tăng cường mối quan hệ giữa lực lượng công an và các lực lượng khác trong xã hội nhằm tạo nên sức mạnh tổng thể đảm bảo an ninh trật tự, gắn bó mật thiết với dân.  Mỗi hành vi, cử chỉ, thái độ, lời nói  của cán bộ Công an là thước đo để đánh giá văn hóa, năng lực, đạo đức, uy tín của họ. Do đó, mỗi chiến sỹ Công an cần ứng xử có văn hóa trên mọi lĩnh vực, mọi phương diện để hình ảnh bản thân được đẹp hơn, gần gũi trong lòng dân, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh đất nước, con người Việt.

Điểm nổi bật trong văn hóa ứng xử của công an nhân dân trong thời kỳ mới

Lực lượng Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, nhà nước và nhân dân. Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân đã và đang đẩy mạnh thực hiện phong trào “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì dân phục vụ”. Có thể khẳng định, xuyên suốt quá trình lịch sử và trong thời kỳ đổi mới, văn hóa ứng xử trong công an nhân dân có đặc trưng:
Thứ nhất, văn hóa ứng xử trong Công an nhân dân là văn  hóa “vì dân phục vụ”. Kế thừa giá trị tốt đẹp của dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm nhân đạo của chủ nghĩa Cộng sản: Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân phục vụ và dựa vào dân để làm việc. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, người mang chức danh bảo vệ dân, bảo vệ tổ quốc đều phát huy quyền làm chủ của người dân, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của dân, có thái độ đúng đắn lễ phép với dân.

Thứ hai, văn hóa ứng xử của Công an thể hiện sự tận tụy, tận tâm, liêm khiết. Mỗi đơn vị có những chức năng, nhiệm vụ riêng: Lực lượng trinh sát luôn khôn khéo, cương quyết; lực lượng Tham mưu, hậu cần luôn chủ động, sáng tạo, tận tâm,… trên tinh thần “làm hết việc, không hết giờ”.  Các cán bộ gương mẫu chấp hành tốt kỷ luật, điều lệnh, giờ làm việc, trực ban, ứng trực, nơi ăn nghỉ gọn gàng, chỉnh trang đơn vị sạch sẽ khang trang. Tạo nên một môi trường làm việc văn hóa, lịch sự, văn minh.

Thứ ba, hết lòng tin yêu, đùm bọc nhân dân. Luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đoàn kết đồng lòng, đem hết sức lực, trí tuệ, tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, với nhân dân, không ngừng lớn mạnh để trở thành lực lượng vũ trang trọng yếu của đất nước.

Điểm nổi bật trong văn hóa ứng xử của công an nhân dân trong thời kỳ mới
Hình ảnh người Công an nhân dân mẫu mực giúp dân

Biện pháp nâng cao văn hóa ứng xử trong công an nhân dân

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh những mặt lợi  nước ta đang đối mặt với nhiều mặt trái của cơ chế thị trường. Suy nghĩ, lối sống của một bộ phận không nhỏ con người bị sai lệch đi. Trong đó có một số cán bộ Công an đạo đức xuống cấp, vi phạm kỷ luật, tham ô hối lộ, hách dịch với nhân dân, lời nói cử chỉ không đúng mực khiến hình ảnh lực lượng Công an mang tiếng xấu, gây bức xúc trong quần chúng, làm giảm sút niềm tin của dân với nhà nước. Đó là biểu hiện của cách ứng xử thiếu văn hóa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển đất nước.

Do đó, để nâng cao văn hóa ứng xử trong công an nhân dân góp phần tạo dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an bản lĩnh, kiên cường, vì dân phục vụ giữ vững an ninh quốc gia, an toàn xã hội, cần chú ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cán bộ Công an. Ngăn chặn, đẩy lùi những suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng lối sống văn hóa, nhân văn ngay trong tác phong, cử chỉ, lời nói thường ngày.

Thức hai, Cần đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, bồi dưỡng về văn hóa ứng xử cho lực lượng Công an sao cho sáng tạo, hấp dẫn, linh hoạt thu hút sự chú ý, tập trung của các chiến sĩ. Đồng thời, đưa nội dung giáo dục về văn hóa ứng xử trong Công an nhân dân vào đơn vị kết hợp với tổ chức các hoạt động trao đổi, giao lưu, tọa đàm, tổ chức các cuộc thi, sân khấu hóa, viết báo cáo, đưa ra đề xuất, hiến kế,… để xây dựng văn hóa ứng xử cho cán bộ, chiến sỹ Công an.

Thứ ba, phối kết hợp cùng công an các địa phương, các trường Công an nhân dân để tập huấn, giáo dục cho đội ngũ lực lượng Công an nhân dân.

Thứ tư , phát huy vai trò của các học viện, các trường công an trong cả nước đưa văn hóa ứng xử trong công an nhân dân vào làm môn học cụ thể để các em có kiến thức cơ bản về văn hóa ứng xử  góp phần tạo nên một thế hệ Công an nhân dân tinh nhuệ, vừa có đức có tài ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thoái hóa biến chất, thậm chí đuổi ra khỏi ngành (nếu cần thiết) để giáo dục, răn đe làm gương cho các đồng chí khác.

Nội dung bộ quy tắc ứng xử của công an nhân dân 

Nội dung bộ quy tắc ứng xử của công an nhân dân 

Theo nghị định 106/2014/NĐ/CP ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2014 quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân, nội dung quy tắc bao gồm:

Điều 4. Quy tắc ứng xử chung

  1. Nói và làm theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, 5 lời thề danh dự, 10 điều kỷ luật và điều lệnh Công an nhân dân.
  2. Tôn trọng, tận tụy phục vụ  nhân dân; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
  3. Rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, trung thực, thẳng thắn, cần, kiệm, liêm , chính.
  4. Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong công tác; thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước; bí mật nghiệp vụ, quy chế làm việc, quy trình công tác.
  5. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chủ động, sáng tạo, phối hợp trong công tác nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
  6. Không được lợi dụng danh nghĩa cơ quan, đơn vị hoặc chức trách, nhiệm vụ được giao để vụ lợi hoặc nhằm mục đích cá nhân; bao che, tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
  7. Không được nhận tiền tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan tổ chức cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc không thuộc phạm vi quản lý của mình; không được lợi dụng việc tặng quà,  nhận quà để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi.
  8. Không được sử dụng trái phép các thông tin tài liệu của đơn vị che giấu, bưng bít,  làm sai lệch nội dung phản ánh của cơ quan tổ chức và công dân về những việc liên quan đến chức năng nhiệm vụ do mình được giao thực hiện.
  9. Không được từ chối tiếp nhận giải quyết hoặc cố tình trì hoãn kéo dài thời gian giải quyết các yêu cầu hợp pháp của cơ quan tổ chức và công dân theo chức trách nhiệm vụ.
  10. Không được trốn tránh đùn đẩy trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ được giao mà gây ra hậu quả làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị mình; hoặc cơ quan tổ chức khác; hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp danh dự nhân phẩm của công dân.

Điều 5: Ứng xử trong nội bộ

  1. Ứng xử với cấp trên

a,  Phục tùng sự chỉ đạo, chỉ thị, mệnh lệnh và nhiệm vụ cấp trên giao; tôn trọng tin tưởng cấp trên.

b, Báo cáo trung thực, kịp thời, đầy đủ với cấp trên về tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

c, Chủ động đề xuất, kiến nghị, đóng góp, ý kiến với cấp trên về biện pháp công tác quản lý điều hành đơn vị; lắng nghe tiếp thu ý kiến của cấp trên.

  1. Ứng xử với cấp dưới

a, Tôn trọng, gần gũi, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe, xem xét giải quyết tâm tư nguyện vọng và những đề nghị chính đáng của cấp dưới.

b, Gương mẫu trong công tác học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách và chuẩn mực đạo đức công an nhân dân; không có thái độ hành vi cửa quyền, hách dịch, quan liêu trù dập, quát nạt, xúc phạm, hạ uy tín cấp dưới.

c, Dân chủ khách quan công tâm trong nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ; phân công nhiệm vụ cho cấp dưới rõ ràng đúng người, đúng việc.

d, Không bao che vi phạm của cấp dưới; bảo vệ danh dự của cấp dưới khi bị phản ánh khiếu nại tố cáo không đúng sự thật.

đ, Tin tưởng khuyến khích phát huy năng lực sở trường công tác tạo điều kiện cho cấp dưới học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và văn hóa ứng xử.

  1. Ứng xử cùng cấp

a,  Tôn trọng tính cách đời sống riêng tư, bảo vệ uy tín danh dự của đồng chí, đồng đội

b,  Đoàn kết, thân ái, giúp đỡ, hợp tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, cầu thị, học hỏi tiếp thu ý kiến đúng đắn của đồng chí, đồng đội; có thái độ tích cực đối với sự phát triển tiến bộ của đồng chí, đồng đội.

 c, Tự phê bình và phê bình khách quan chân thành thẳng thắn mang tính xây dựng công việc; không có lời nói hành động gây mất đoàn kết nội bộ vu khống nói không đúng sự thật hạ uy tín trả thù cá nhân.

 Điều 6. Ứng xử với nhân dân

  1. Kính trọng lễ phép với nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, tận tình trách nhiệm giải quyết công việc yêu cầu chính đáng của nhân dân.
  2. Giao tiếp làm việc với nhân dân bằng thái độ niềm nở, tận tình trách nhiệm xưng hô đúng mực thái độ lịch sự, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn; ưu tiên giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai.
  3. Không được có hành vi lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân; không gây căng thẳng bức xúc, dọa nạt người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan vào ngày giờ làm việc.
  4. Thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật và tự nguyện tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc”.

Điều 7: Ứng xử với người vi phạm pháp luật

  1. Thực hiện nghiêm đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, quy định của ngành công an trong đấu tranh xử lý đối với người phạm tội và người có hành vi vi phạm pháp luật khác.
  2. Kiên quyết mưu trí, dũng cảm, khôn khéo trong thực hiện nhiệm vụ; xử lý vi phạm phải khách quan, trung thực đảm bảo các yêu cầu chính trị pháp luật nghiệp vụ.
  3. Khi tiếp xúc với người vi phạm pháp luật cán bộ chiến sĩ công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực không có lời nói hành vi xúc phạm phân biệt đối với người vi phạm.
  4. Không lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao làm sai lệch hồ sơ vụ việc, vụ án dẫn đến bỏ lọt, oan hoặc nhằm mục đích khác.

Điều 8: Ứng xử với tổ chức cá nhân nước ngoài

  1. Thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành Công an về tiếp xúc, quan hệ, làm việc với tổ chức, cá nhân nước ngoài và thực hiện chính sách đối ngoại, hợp tác quốc tế.
  2. Tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa của người nước ngoài, trên cơ sở phù hợp với pháp luật Việt Nam.
  3. Không có lời nói, hành động làm tổn hại đến lợi ích, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; truyền thống, danh dự, uy tín của Công an nhân dân Việt Nam.

Điều 9. Ứng xử trong gia đình

  1. Gương mẫu, vận động, giáo dục người thân trong gia đình chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương nơi cư trú.
  2. Nêu gương trong sinh hoạt, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; xây dựng lối sống lành mạnh, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc.
  3. Không để người thân trong gia đình tham dự vào công việc của cơ quan, đơn vị hoặc lợi dụng ảnh hưởng vị trí, chức vụ công tác để làm trái quy định của pháp luật và quy định của ngành Công an.

Điều 10. Ứng xử nơi cư trú

  1. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nơi cư trú theo quy định; tôn trọng quy ước cộng đồng; gần gũi, đoàn kết, giúp đỡ mọi người xung quanh.
  2. Tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định tại nơi cư trú. Tích cực phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội khác.
  3. Không được lợi dụng ảnh hưởng vị trí, chức vụ công tác để can thiệp trái quy định vào hoạt động của địa phương nơi cư trú.

Điều 11. Ứng xử nơi công cộng

  1. Gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức công dân được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện; ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng.
  2. Không có lời nói, hành vi vi phạm các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng.

Điều 12. Ứng xử với môi trường tự nhiên

  1. Giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên; tham gia xây dựng cảnh quan môi trường “Xanh – sạch – đẹp”.
  2. Tuyên truyền, giáo dục và vận động mọi người giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, hưởng ứng các phong trào xã hội về bảo vệ môi trường.

Điều 13. Ứng xử, giao tiếp qua điện thoại và phương tiện điện tử khác

  1. Khi giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải xưng tên, chức danh, đơn vị công tác, nội dung trao đổi đầy đủ, rõ ràng; ngôn ngữ giao tiếp văn minh, lịch sự, ngắn gọn, dễ hiểu; không trao đổi nội dung bí mật qua điện thoại.
  2. Khi sử dụng các phương tiện điện tử khác, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân không được truy cập, lưu trữ, phát tán, bình luận, chia sẻ các thông tin, tài liệu, bài viết, hình ảnh có nội dung trái với thuần phong, mỹ tục; trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành Công an; không giới thiệu, sử dụng tên, hình ảnh, phiên hiệu đơn vị công an lên các trang mạng xã hội.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong công an nhân dân là việc làm lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của các cấp lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể. Để không phụ sự kỳ vọng của nhân, mỗi chiến sĩ Công an cần học tập, không ngừng trau dồi những phẩm chất đạo đức, luôn bản lĩnh, kiên cường, trách nhiệm, vì dân phục vụ, xứng đáng với sự kỳ vọng, niềm tin yêu của nhân dân.

1/5 - (1 bình chọn)

Phan Hiền

Chia sẻ kinh nghiệm, những giá trị sống tích cực đang được rất nhiều các bạn trẻ học tập và làm theo.
Đăng ký nhận thông báo
Nhận thông báo
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Back to top button