Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội – Thực trạng đáng báo động
Mạng xã hội chính là một xã hội thu nhỏ mà ở đó con người giao tiếp, tương tác với nhau, họ sẻ chia cho nhau những câu chuyện, những vấn đề nóng bỏng của mình và của mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Do đó, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cũng là thước đo để đánh giá nhân cách con người, thái độ, hành động của mỗi người trên không gian mạng cần có góc nhìn đa chiều, cư xử cho đúng mực, hợp tình hợp lý.
Những bất cập trong văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện nay
Mạng xã hội ngày càng phát triển, những ứng dụng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram, Tik Tok, Twitter,… đã không còn xa lạ với mọi người. Nhờ mạng xã hội mà chúng ta có bước phát triển vượt trội, đó là nơi để:
- Kết nối các mối quan hệ: Mọi người có thể nhìn thấy nhau, trò chuyện dù có sự cách biệt về khoảng cách địa lý. Người thân, bạn bè có thể gặp nhau, đối tác đồng nghiệp có thể chia sẻ công việc với nhau; thậm chí những người xa lạ cũng gắn kết với nhau, tạo dựng mối quan hệ mới.
- Mọi người học hỏi, cập nhật kiến thức: Những thông tin, xu thế mới, kiến thức hữu ích được mạng xã hội cập nhật, chia sẻ giúp người dùng nắm bắt một cách nhanh chóng.
- Chia sẻ cảm xúc: nhờ mạng xã hội, chúng ta bớt cô đơn phần nào. Niềm vui được nhân đôi, nỗi buồn vơi bớt khi có người sẻ chia an ủi.
- .Kinh doanh, quảng cáo free: chỉ cần đăng bán, quảng cáo online trên các trang mạng và tiếp cận được lượng khách hàng lớn thì bạn sẽ tạo ra doanh thu khủng. Các trang facebook, diễn đàn, group,… là nơi đem lại thu nhập cho bạn.
- Thư giãn, giải trí: Lướt các trang mạng để xem phim, chơi game, xem video, hình ảnh hài hước sẽ khiến chúng ta được thư giãn đầu óc.
Tuy nhiên, khi một thứ đã trở thành “món ăn thường ngày” thì rất khó bỏ, và lạm dụng quá sẽ gây hại khôn lường, mạng xã hội cũng vậy. Có thể nói “mạng xã hội” đã ăn vào máu của một bộ phận không nhỏ nhưng cá nhân: già có, trẻ có, thanh thiếu niên có, người trung tuổi cũng có. Chưa bao giờ văn hóa ứng xử trên mạng xã hội lại đáng báo động như thế. Điểm mặt chỉ tên những trường hợp cụ thể chúng ta mới thấy sự đáng sợ của ứng xử trên mạng quan trọng như thế nào.
Nói xấu, chửi rủa thầy cô trên mạng xã hội
Thực trạng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội hiện nay rất đáng sợ. Có những group facebook, trang mạng mang tên: Hội những người ghét cô A, Hội những người ghét giáo viên chủ nhiệm, hội những người thù cô giám thị trường A,…. nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh, thu hút cả nghìn like, comment, chửi bới, nói xấu, lăng mạ cô giáo.
Không hiếm những trường hợp học sinh chỉ vì bị cô cho điểm thấp, ghi vào sổ đầu bài mà cắt ghép hình ảnh cô giáo phản cảm trên mạng xã hội kèm những lời bình luận vô văn hóa, suy diễn về đời tư lối ăn mặc của các cô thiếu suy nghĩ. Nhiều thầy cô rơi vào trạng thái khủng hoảng, bất an khi bị bêu rếu trên mạng.
Một câu chuyện có thật về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của học sinh mà tôi được chứng kiến mọi người cùng đọc và suy ngẫm:
“Cách đây ít ngày, dạy xong tiết 4 tôi ra nhà xe và chuẩn bị lấy xe để đi về. Tôi thấy cô H ngồi sụp xuống bên gốc cây bằng lăng và khóc nức nở. Khi nhìn thấy tôi, cô ấy òa khóc, cảm xúc như dâng trào đến tột độ “Chị thấy đấy, em chỉ muốn cái M nó chăm học để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, nhưng không ngờ, nó đăng lên mạng chửi em, những dòng chữ thô tục, kém văn hóa: Con đ…ĩ…. tao mong mày biến khỏi cuộc đời tạo, tao hận mày đến thấu xương tủy, mày hãy chết càng nhanh càng tốt, mày là con khốn nạn, mày đừng để cho tao nhìn thấy mặt mày nữa … em buồn lắm chị ơi”. Cô ấy khóc như chưa từng được khóc, niềm tin gửi nhầm chỗ, lòng tốt gửi nhầm nơi khiến bản thân tuyệt vọng vô cùng.
Đây có lẽ chỉ là một câu chuyện nhỏ trong hàng trăm, hàng nghìn sự việc đang diễn ra về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cần được lên án.
Các em học sinh đánh nhau, bóc hốt, lột đồ, tung clip lên mạng xã hội
Chỉ cần search lên Google “nữ sinh đánh nhau trên mạng” chưa đến 1S đã hiện ra vô vàn kết quả. “Tài khoản mạng xã hội của tôi, tôi có quyền tôi đăng”, đó là lời biện minh cho những video hớ hênh trên mạng xã hội. Không hiếm thấy những vụ đánh ghen của những ông chồng bà vợi, có lẽ cũng vì thế, con trẻ mới học đòi bắt chước người lớn.Nào thì clip đánh nhau, dùng dép vả mặt nhau, khóc lóc van xin thảm thiết chỉ vì trông rất “ngứa mắt”; Nào thì “mày cướp bồ của tao” nên đã bị cả nhóm bạn lao vào đánh hội đồng; nào thì nữ sinh lớp 8 bị đưa vào nhà vệ sinh lột đồ, quay clip,… những sự việc đó sẽ ám ảnh nạn nhân đến suốt cuộc đời.
Theo báo Người Lao Động đưa tin: Vào ngày 9/8, thiếu nữ 17 tuổi ở Quy Nhơn bị bạn học lừa hội đồng lột đồ quay clip tung lên MXH. Theo đó, bạn nữ bị bạn học lừa đi uống nước rồi đưa đến một ngôi nhà rồi để mặc một nhóm người (7 người) thay nhau hành hung, lăng mạ, lột đồ rồi tung video lên mạng. Đoạn video dài 7 phút gây xôn xao dư luận. Được biết, nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn yêu đương giữa 2 thiếu nữ cùng chung 1 người. Chắc chắn, những hành động đó sẽ phải trả một cái giá rất đắt!.
Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng
Mạng xã hội là mảnh đất “màu mỡ” để các nhà đầu tư kiếm lời. Nhiều người sẵn sàng làm trò hề: đội nón, bôi nhọ nồi vào mặt, dán băng dính, dán nốt ruồi,,…livestream khiến bản thân xấu đi để bán hàng; có người lại “khoe thân” để thu hút sự chú ý rồi bán hàng; Nhưng đáng lên án hơn là vấn nạn bán hàng cấm, không rõ nguồn gốc trên mạng. Nhiều cơ sở kinh doanh sẵn sàng trả phí cho sàn thương mại điện tử, google, facebook, thuê nghệ sĩ để pR cho sản phẩm giả của mình. Các đối tượng đã lập nhiều tài khoản và chạy quảng cáo, địa chỉ số điện thoại không có hoặc chung chung để qua mặt cơ quan chức năng. Họ tiến hành livestream và có thể chốt đến hàng trăm đơn mỗi ngày.
Tiền mất, tật mang những người khổ chỉ là những người cả tin vào lời nói có cánh của người bán. Khi muốn đổi trả hay kiện cáo thì chẳng biết đâu mà lần!.
Lừa tiền qua mạng
Ý thức của con người, nhân cách của con người, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đáng báo động hơn khi liên tục ra đời những chiêu trò lừa tiền qua mạng.
- Nhận quà từ người nước ngoài khi làm quen qua mạng: Sau một thời gian quen nhau qua mạng, đối tượng sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về cho bạn, sau đó báo bạn nộp tiền để nhận quà ( tiền này họ sẽ lấy lý do là: phí thuế, phí chuyển,…) tiền được chuyển vào stk mà họ cung cấp nhằm chiếm đoạt.
- Hack Facebook, nhắn tin cho bạn bè mượn tiền: Trò này không mới, nhưng vẫn rất nhiều người bị lừa. Các đối tượng sẽ chiếm đoạt quyền quản trị tài khoản của bạn, sau đó nhắn tin cho mọi người nhờ chuyển tiền.
- Báo trúng thưởng hoặc được tặng tài sản có giá trị: Người lừa đảo sẽ báo cho bạn biết bạn đang trúng xe máy, xe điện, điện thoại, tiền mặt,… rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền hoặc thẻ nạp qua ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.
- Đánh cắp thông tin: Gửi SMS giả mạo ngân hàng nhằm lừa khách truy cập vào link giả để lấy mã otp, thông tin thẻ để rút tiền.
- Đầu tư tài chính, tiền ảo: Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội có chủ đích xấu đó là lập ra các website về tài chính để thu hút lôi kéo người tham gia.
- Lừa vay vốn: Lợi dụng tâm lý muốn được vay vốn với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn, các đối tượng đã đăng tin cho vay vốn lên mạng xã hội. Khi tiếp cận được mục tiêu họ dùng sim, tài khoản giả mạo để hướng dẫn thủ tục lừa đảo tài chính online. Tiếp đó, họ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để hoàn tất hồ sơ vay, thuế khoản vay, số vay vượt định mức,…
- Lừa đặt cọc mua hàng rồi chiếm đoạt tài sản: Các đối tượng xấu đăng tin bán xe máy, ô tô, đồ công nghệ qua mạng xã hội. Khi nhận được cọc họ sẽ xóa bài viết, cắt liên lạc,…
Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội diễn biến khôn lường và tồn đọng nhiều bất cập. Hãy là người dùng thông thái xây dựng một nền văn hóa mạng trong sạch và lành mạnh.
Giải pháp để nâng cao văn hóa ứng xử trên mạng xã hội là gì?
Để mạng xã hội là một không gian chung, ở đó chúng ta được sẻ chia, cập nhật những thông tin bổ ích mỗi cá nhân cần:
- Nâng cao ý thức, rèn luyện hành vi đạo đức, hành vi ứng xử văn hóa, xem xét lại cách cư xử của mình ngay từ bây giờ.
- Tôn trọng người khác, quan tâm lắng nghe đa chiều
- Chọn lọc thông tin để xem, suy nghĩ trước khi bình luận. Mọi lời nhận xét phải khách quan, tế nhị, không nói xấu, không kéo bè kéo cánh, bôi nhọ danh dự người khác.
- Nghĩ trước khi phát ngôn và đăng lên các trang mạng đừng “tay nhanh hơn não”.
- Đưa hình ảnh phù hợp lên mạng, tránh hở hang, hớ hênh mang tính bạo lực, khiêu dâm để phòng kẻ xấu lợi dụng ảnh. Hoặc ảnh selfie ở nơi không phù hợp: tang lễ, tai nạn giao thông,… cũng không nên đăng.
- Có ý thức giữ gìn nền văn hóa của dân tộc. không dùng từ tục tĩu, chửi bới
- Không share những thông tin sau sự thật, chưa qua kiểm chứng
- Bán hàng bằng cái tâm để giúp ích cho đời
- Sử dụng có kế hoạch tránh tình trạng “nghiện mạng xã hội”
Về phía nhà trường, chính quyền cần:
- Tuyên truyền, phổ biến luật an ninh mạng tới mọi tầng lớp nhân dân giúp mọi người hiểu rõ trách nhiệm, những hành vi bị cấm khi tham gia mạng xã hội.
- phổ biến nâng cao tính bảo mật thông tin khi sử dụng mạng xã hội qua các buổi sinh hoạt lớp, tổ chức các buổi hùng biện, cuộc thi tìm hiểu về luật an ninh mạng,…
- Đưa các giải pháp về công nghệ để quản lý, kiểm soát văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của giới trẻ.
- Xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội
- Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật an ninh mạng.
Chúng ta hãy góp một chút công sức nhỏ bé của mình để dựng nên một xã hội phồn vinh, giàu đẹp hơn bằng cách sử dụng mạng xã hội văn mình và thông thái. Để phát huy đúng vai trò, lợi ích của mạng xã hội với con người, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cần được quan tâm và coi trọng đúng mực.