Chương trình giáo dục những giá trị sống (LVEP) là gì?

LVEP là viết tắt của Living Values an Educational Program, là một chương trình giáo dục các giá trị toàn diện, với hàng loạt các hoạt động mang tính trải nghiệm và các phương pháp thực hành cụ thể dành cho các giáo viên, điều phối viên, các bậc cha mẹ và chăm sóc viên nhằm tạo cơ hội cho học sinh khám phá và phát huy các giá trị căn bản.
LVEP tạo ra một không gian để các nhà giáo dục có thể suy nghĩ về các giá trị của họ, nhận diện cách lồng ghép các giá trị vào chương trình giảng dạy thực tế và cách tạo ra một môi trường dựa trên các giá trị. 12 giá trị được sử dụng là: Hòa bình (Bình yên), Tôn trọng, Yêu thương, Trách nhiệm, Hạnh phúc, Hợp tác, Trung thực, Khiêm tốn, Khoan dung, Giản dị, Đoàn kết, và Tự do.
LVEP cũng có những tài liệu đặc biệt cho các bậc cha mẹ, chăm sóc viên, cũng như những người tị nạn và trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, trẻ em hoàn cảnh khó khăn (trẻ em đường phố) và thanh thiếu niên có nhu cầu cai nghiện ma túy.
Những Hoạt động Giá trị sống xây dựng các kỹ năng sử dụng trí thông minh nội tâm và tương tác giữa các cá nhân với nhau, đồng thời xây dựng những hành vi và quan điểm mang tính giá trị. Những hoạt động suy ngẫm, mường tượng, biểu diễn nghệ thuật nhằm khơi dậy nguồn cảm hứng và tư duy sáng tạo. Học sinh còn được phân tích các sự kiện, tìm ra giải pháp để từ đó phát triển các kỹ năng nhận thức và làm chủ cảm xúc của mình. Cách tiếp cận lấy học trò làm trung tâm, linh hoạt và tương tác khiến cho người tham gia dễ dàng trở thành những người điều phối các hoạt động lvep. Trong quá trình tập huấn, các giáo dục viên được hướng dẫn tạo một bầu không khí mang tính giá trị mà trong đó tất cả học sinh đều có thể cảm thấy được tôn trọng, có giá trị, được hiểu, được yêu thương và cảm thấy an toàn. Một mô hình giáo dục xuất sắc về LVEP là mô hình các giá trị, tôn trọng ý kiến của học sinh và truyền cảm hứng cho học sinh thích thú học tập và thực hiện các dự án giá trị.
Chương trình này được điều phối bởi Hiệp hội Giáo dục Giá trị sống Quốc tế (ALIVE), một tổ chức phi lợi nhuận, có mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giáo dục giá trị trên toàn thế giới. Vì được tạo ra trên tinh thần tình nguyện của các nhà giáo dục toàn cầu, chương trình này thu hút sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cơ quan, nhóm cộng đồng và cá nhân. Đây là một phần của hoạt động toàn cầu trong khuôn khổ của Thập kỷ quốc tế Liên hiệp quốc vì một nền văn hóa hòa bình và phi bạo lực cho trẻ em trên thế giới. Mỗi chi nhánh ALIVE kết hợp với các cơ quan chính phủ cùng đẩy mạnh giáo dục GTS và là một tổ chức độc lập, phi chính trị, phi tôn giáo và phi lợi nhuận.
Đến tháng 8 năm 2008, LVEP đã được phổ biến trên 8.000 địa điểm thuộc 80 quốc trên thế giới. Hầu hết những địa điểm là trường học, ngoài ra có một số nhà trẻ, mẫu giáo, câu lạc bộ thanh niên, hội cha mẹ, những trung tâm dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trung tâm y tế và trại tị nạn. Một số tài liệu đã được dịch ra ít nhất 30 ngôn ngữ trên thế giới. Phương pháp này không áp đặt mà cho phép người dạy sử dụng những tài liệu, chiến lược tùy theo hoàn cảnh và mối quan tâm của mình cũng như nhu cầu của người học.
Hướng đến các giá trị
Ngày nay trẻ em khắp nơi trên thế giới đang bị đe dọa bởi tình trạng bạo lực, lạm dụng, cũng từ đó tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, tình trạng thiếu tôn trọng người khác cũng như thiếu ý thức bảo vệ môi sinh ngày càng đáng báo động. Các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục của nhiều quốc gia đang kêu gọi sự trợ giúp cho việc giải quyết tình trạng đáng báo động này. Một trong những cách được nhiều người tin tưởng và cho là hiệu quả, đó là tập trung vào việc giảng dạy các giá trị. Cũng từ đó, Chương trình Giáo dục các Giá trị Sống (LVEP) đã được đưa ra để đáp ứng lời kêu gọi hướng đến các Giá trị.
Mục đích của Chương trình Giáo dục các Giá trị Sống
Giúp mỗi người suy ngẫm về 12 Giá trị và tác động thực tế của việc thể hiện những Giá trị này với chính mình, với người khác, với cộng đồng và với thế giới.
Đào sâu hiểu biết, tạo động cơ và tinh thần trách nhiệm cho các học viên trong những lựa chọn mang tính cá nhân và xã hội theo hướng tích cực.
Tạo cảm hứng cho các học viên trong việc lựa chọn những Giá trị mang tính cá nhân, xã hội, đạo đức và tinh thần, cũng như ý thức thực hành các phương pháp được hướng dẫn nhằm phát triển và đào sâu hơn các Giá trị này.
Động viên, khuyến khích những người làm công tác giáo dục, để họ nhận thức được rằng giáo dục là một chương trình cung cấp cho học viên những triết lý sống, giúp các học viên trưởng thành, phát triển năng lực của bản thân, có được chọn lựa đúng đắn và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
Đặc thù của Chương trình
LVEP là một tổ chức phi lợi nhuận, được UNESCO ủng hộ và được Ủy ban Quốc gia về UNICEF của Tây Ban Nha, Tổ chức Hành tinh bảo trợ với sự cố vấn của nhóm chuyên gia giáo dục UNICEF (New York). Cuốn sách này bao gồm các hoạt động Giá trị dành cho Thanh niên. Ngoài ra, bộ sách của Chương trình Giáo dục các Giá trị Sống còn có các quyển sau:
- Những hoạt động Giá trị dành cho Trẻ em từ 3 – 7 tuổi.
- Những hoạt động Giá trị dành cho Trẻ em từ 8 – 14 tuổi.
- Những hoạt động Giá trị dành cho Thanh niên.
- Sách hướng dẫn tập huấn dành cho các giáo dục viên LVEP.
- Sách hướng dẫn bổ trợ dành cho các nhóm Phụ huynh.
- Những hoạt động Giá trị dành cho người tị nạn và trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
- Những hoạt động Giá trị dành cho Trung tâm Cai nghiện Ma túy.
Cuốn Những Giá trị Cuộc sống mang tính suy ngẫm và mường tượng cao, nhằm khơi dậy tính sáng tạo và tiềm năng sẵn có ở mỗi học viên. Các hoạt động giao tiếp giúp học viên biết cách ứng xử với người khác sao cho ôn hòa; các hoạt động nghệ thuật như ca hát, nhảy múa giúp tinh thần họ thêm phấn chấn và hứng khởi, trò chơi kích thích tư duy và tăng thêm phần sinh động, vui vẻ cho cuộc sống của họ. Thêm vào đó, những cuộc thảo luận nhóm sau mỗi hoạt động còn giúp học viên khám phá mức độ ảnh hưởng của những kiểu thái độ và hành vi khác nhau. Ngoài ra, sách cũng cung cấp các hoạt động khác nhằm tăng cường nhận thức về trách nhiệm cá nhân và xã hội, về công bằng xã hội; việc phát triển lòng tự trọng và đức tính khoan dung cũng được giới thiệu thông qua các bài tập trong tập sách này.
Hoàn cảnh ra đời
Chương trình Giáo dục các Giá trị Sống được triển khai từ một dự án quốc tế bắt đầu từ năm 1995 để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hiệp Quốc. Nhằm kêu gọi sự chia sẻ các Giá trị cho một thế giới tốt đẹp hơn, dự án này tập trung vào 12 Giá trị mang tính phổ quát. Chủ đề được lấy trong lời mở đầu của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, khẳng định lòng tin vào quyền cơ bản của con người, về phẩm cách và Giá trị của mỗi người.
Sách hướng dẫn các Giá trị Sống (Living Values: A Guidebook) là một phần của dự án Chia sẻ các Giá trị vì một thế giới tốt đẹp hơn. Ngoài việc cung cấp những bài học về 12 Giá trị cơ bản, đưa ra cách nhìn nhận cá nhân cho sự sáng tạo và duy trì những thay đổi tích cực, gợi mở những đề tài thảo luận và các hoạt động nhóm có hướng dẫn, sách còn giới thiệu những phần hoạt động Giá trị dành cho học sinh, sinh viên có thể áp dụng ngay trong lớp học. Chương trình dành cho lớp học mang tính phác họa nói trên đã trở thành nguồn cảm hứng và động lực thúc đẩy cho Các Giá trị Sống: Một Sáng kiến Giáo dục ( LVEI, Living Values: An Education Initiative) ra đời.
LVEI ra đời từ sự kiện 20 nhà giáo dục trên khắp thế giới tập hợp tại trụ sở của UNICEF ở thành phố New York vào tháng 8 năm 1996 để thảo luận về: nhu cầu của trẻ em, những trải nghiệm khi tiếp xúc với các Giá trị. Hai tập sách Hướng dẫn các Giá trị Sống và Công ước về Quyền Trẻ em được các nhà giáo dục trên thế giới xem là nguồn tư liệu chính cho việc giảng dạy, trong đó mục tiêu của chương trình là giáo dục các Giá trị – ở cả những nước phát triển và những nước đang phát triển. Chương trình đã được đưa vào thử nghiệm kể từ tháng 2 năm 1997 và từ đó, Chương trình các Giá trị Sống đã và đang trên đà phát triển rộng khắp.
Các nhà chuyên môn nói gì về Chương trình Giá trị Sống?
“Đây là một chương trình rất có ý nghĩa, nhất là trong giai đoạn thanh thiếu niên ở Việt Nam đang trải qua nhiều thay đổi tích cực lẫn tiêu cực như hiện nay. Từ ‘Giáo dục giá trị sống’ nghe có vẻ lý thuyết nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại, những giá trị cốt lõi của con người như Hoà bình, Tôn trọng, Trách nhiệm được truyền tải một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc thông qua các hoạt động đa dạng, phù hợp từng lứa tuổi mà học viên/học sinh có thể tham gia, khám phá và trải nghiệm. Phản hồi của giáo viên/học sinh đã tham gia chương trình cho thấy họ rất hứng thú. Họ cho rằng nó nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ thực hiện và làm cho bầu không khí trong gia đình, nhà trường thân thiện hơn, ấm áp hơn, tôn trọng nhau hơn, hợp tác tốt hơn. Phương pháp thực hiện các hoạt động chương trình LVEP cũng là một điểm mạnh rất đáng lưu ý trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng khuyến khích các giáo viên thay đổi và đa dạng hoá các phương pháp giảng. Các hoạt động LVEP như suy nghĩ nhanh, làm việc nhóm, đóng vai, diễn kịch có thể áp dụng để tăng hiệu quả giáo dục chính khoá và ngoại khoá. Tôi mong muốn chương trình LVEP ngày càng được hỗ trợ nhiều hơn để có thể thực hiện, triển khai rộng rãi hơn, lồng ghép, tích hợp vào các môn học (như Giáo dục Công dân) ở Việt Nam. Tôi cũng mong mỏi có ngày các nhà giáo dục, biên soạn giáo trình Giáo dục Công dân ở Việt Nam tham khảo sâu sắc cả về mặt nội dung và phương pháp của LVEP”.
– Lê Văn Hảo / Viện Tâm lý học, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
“Qua khóa học, các em trưởng thành hơn trong cuộc sống và trong nghề tham vấn tâm lý của mình. 12 giá trị sống là 12 triết lý sống, 12 đạo lý sống, 12 kỹ năng sống. Với 12 giá trị đó, chúng ta có một nhận thức đúng hơn về cuộc sống, về người khác và bản thân mình, giúp chúng ta định nghĩa cuộc sống là gì và sống như thế nào, trong đó có cả nhận thức cái chết. Chúng ta biết sự sống kết thúc như thế nào và ta phải đối diện với nó ra sao. Các sinh viên được học khóa này đã có được một triết lý sống đúng đắn và sau này sẽ là những nhà tham vấn giỏi hơn, có chất lượng hơn.”
– Trần Tuấn Lộ / Trưởng khoa Tâm lý, trường Đại học Dân lập Văn Hiến.
“Bạn thấy ai là người bình an nhất? Khi nào bạn thấy bình an nhất? Đã có ai đặt câu hỏi như vậy với bạn một cách ân cần hay có bao giờ bạn dành thời gian tự trả lời những câu hỏi đó một cách nghiêm túc chưa? Lần đầu tiên khi đọc những câu hỏi trong giáo trình này, tôi đã thấy bất ngờ và thú vị bởi nội dung và đặc biệt là phương pháp giáo dục gợi mở của chương trình. Xuyên suốt 12 giá trị luôn luôn là những câu hỏi giản dị nhất, cấu trúc đơn giản nhất nhưng lại giống như một chiếc chìa khóa mở từng cánh cửa khám phá từng lớp, từng lớp suy nghĩ. Bước ra khỏi khoảng lặng suy nghĩ ấy, bạn bỗng thấy mình trở nên mạnh mẽ đầy năng lượng như cơ thể vừa hít một hơi thở thật sâu. Ý tưởng xây dựng chương trình Giáo dục Giá trị Sống trên truyền hình đã đến với tôi ngay khi đọc xong cuốn giáo trình. Tôi đã gặp chị Trish Summerfield, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Giá trị Sống, đề nghị xây dựng chương trình Quà tặng cuộc sống dựa trên giáo trình giáo dục Giá trị Sống, với thời lượng 40 phút đã được phát sóng liên tục vào 20h tối thứ 4 hàng tuần trên kênh VTV2 trong suốt 2 năm 2007 và 2008.”
– Lương Thanh Hà / Đạo diễn chương trình Quà tặng cuộc sống, Đài truyền hình Việt Nam.
“Xin cảm ơn “Chương trình Giáo dục các Giá trị Sống” (LVEP) đã mang đến cho trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội từ tháng 05 năm 2001 đến nay. Trường Đinh Tiên luôn sẵn sàng giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn về rèn luyện đạo đức cũng như kết quả học tập. Sự thành công của chúng tôi trong những năm qua một phần lớn do chúng tôi đã đưa “Chương trình Giáo dục các Giá trị sống” vào dạy chính khóa trong nhà trường, giúp học sinh biết nêu cao những giá trị nhân bản, tốt đẹp của con người để tự điều chỉnh nhân cách. Chúng tôi đã kết hợp dạy chương trình giáo dục “các Giá trị Sống” với chương trình “các kỹ năng sống” để chuẩn bị tốt hành trang cho học sinh chúng tôi học lên và đi vào cuộc sống.
Trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội có lẽ là trường phổ thông đầu tiên của Việt Nam áp dụng LVEP vào chương trình giáo dục chính thức cho học sinh,. và LVEP sẽ mãi mãi đi cùng chúng tôi trên hành trình đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.”
– Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm / Hiệu trưởng trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng Nguyên Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội
“Qua lớp Giá trị Sống, tôi biết được mục đích sống của mình là gì. Tôi hiểu được lợi ích của lòng khoan dung, của những suy nghĩ, lời nói tốt đẹp dành cho người khác. Tôi cũng hiểu được thế nào là hợp tác cùng người khác.”
– Trần Thị Nam Phương / Bác sĩ
“Hiện tượng bỏ trốn, đánh lộn, cãi nhau, bị kỷ luật không xảy ra ở những học viên đã được học Giá trị Sống trong các lớp thí điểm nữa.”
– Nguyễn Văn Cường / Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội số 4
“Theo tôi, tất cả cán bộ của Trung tâm, gia đình học viên đều cần được học Giá trị Sống để việc giáo dục học viên hiệu quả hơn. Vì thế, tôi thấy là gia đình của học viên cũng cần được tư vấn và nếu có một tài liệu dành riêng cho hoạt động tư vấn về Giá trị Sống cho gia đình học viên thì hay quá.”
– Phùng Quang Thức / Giám đốc Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội số 6
“Trong giờ học về Giá trị Sống ở Trung tâm cai nghiện, tôi từng thấy những giọt nước mắt buồn khổ của học viên khi chia sẻ những suy nghĩ, khám phá về những Giá trị và hối tiếc mình đã không mang lại hạnh phúc cho gia đình trong khi mình đã nhận được rất nhiều tình yêu thương của người thân. Tôi cũng từng bị cuốn vào những giờ giảng sôi nổi của cán bộ và học viên khi họ được đặt vào những tình huống gây tái nghiện có thể diễn ra khi trở về cộng đồng và cùng nhau tìm cách giải quyết.
Tại lớp học Giá trị Sống tôi đang giảng ở trường Sư phạm gồm các cán bộ lớp năm thứ 2, sinh viên thường dùng các từ “bổ ích”, “ấn tượng” và “hứng thú” để đánh giá về các giờ học. Tôi nhớ nhất “phiên đấu giá các Giá trị Sống” đã diễn ra vô cùng sôi nổi và “quyết liệt”. Ai cũng muốn mua bằng được những Giá trị cần thiết cho mình. Nhiều em nói: “Em muốn mua tất cả các Giá trị này vì em thấy Giá trị nào em cũng cần”. Sau buổi học về Giá trị Yêu thương, em Huyền, lớp trưởng, sinh viên khoa Tiểu học đã nói: “Hôm nay em bị ốm, em định xin nghỉ học, nhưng em đã cố gắng đi học và bây giờ em thấy là nếu em nghỉ buổi học hôm nay thì rất tiếc”.
– Hoàng Thị Việt Hồng / Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Chuyên gia đào tạo LVEP
“Phương pháp dạy là chủ động chứ không áp đặt, không một chiều thuyết giảng. Người học có thể phát biểu những suy nghĩ thực của họ khi trả lời các câu hỏi mở và người hướng dẫn cần chấp nhận, tôn trọng và đánh giá cao mọi ý kiến, mọi cảm xúc chứ không phê phán, không chụp mũ, không quy kết, không rao giảng. Vì vậy, người hướng dẫn (facilitator) cần trải qua một khóa đào tạo các kỹ năng, cách thức tạo một bầu không khí an toàn, đáng tin cậy, để người học cảm thấy an tâm mà bộc bạch những suy nghĩ, cảm xúc thực của riêng họ. Ngoài ra, người Việt chúng ta rất thích được chia sẻ trước lớp kết quả thảo luận của nhóm, vì vậy người hướng dẫn nên dành thời gian để các nhóm đều được đứng lên chia sẻ trước cả lớp.”
– Hàn Thị Thu Vân / Cộng tác viên LVEP