Nhân cách sống là gì? Giá trị sống của mỗi con người
Khi đánh giá về một người nào đó, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của từ “nhân cách”. Mọi người hay nói rằng nhân cách của một người là “tốt bụng”, “hiền lành, “cao thượng” , hay ngược lại là “hèn hạ”, “xấu xa”, “độc ác”. Qua đó chúng ta có thể nhận định rằng nhân cách sống là một thứ gì đó đại diện cho giá trị của một con người. Vậy thực sự thì nhân cách sống là gì? Và nếu nhân cách là thước đo đánh giá đạo đức của mỗi người trong xã hội, thì chúng ta có thể làm gì để nâng cao giá trị đó? Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu rõ khái niệm “nhân cách sống là gì? Và cách giúp bạn hình thành nên giá trị sống của bản thân.
Nhân cách sống là gì?
Nhân cách sống là tập hợp những nhận thức, hiểu biết, nguyên tắc, niềm tin của một con người về chính bản thân mình, hay hiểu đơn giản đó là “tư cách làm người” “tính người”.
A.G.Goovaliôp định nghĩa: Nhân cách sống của con người với tư cách là kẻ mang toàn bộ thuộc tính và phẩm chất tâm lí đang quy định những hình thức hoạt động và những hành vi có ý nghĩa xã hội.
Bên cạnh đó, các nhà tâm lí học Mác – xít đều thống nhất với nhau và cho rằng: “Nhân cách sống là tổ hợp những thuộc tính tâm lý của một cá nhân biểu hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của người ấy.”
Tuy nhiên, về cơ bản, tính cách là những hình mẫu đặc trưng của suy nghĩ, cảm xúc và hành vi tạo nên sự độc đáo của một người. Người ta tin rằng nhân cách phát sinh từ bên trong cá nhân và vẫn khá nhất quán trong suốt cuộc đời. Nhân cách của một người ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: bẩm sinh, di truyền, đặc điểm tính cách, môi trường sống,…
Nhân cách sống là thứ trả lời cho những câu hỏi như “tôi là người thế nào”, “tôi mong muốn cái gì”, “tôi coi trọng cái gì”, “tôi tin vào cái gì”,… Tùy vào mức độ phát triển mà nội dung của nhân cách có thể rất phong phú:Từ việc ý thức được mình là một “con người”, cho đến hiểu biết về những nhu cầu, sở thích, ham muốn, tính cách của bản thân, và cuối cùng là những nội dung trừu tượng như niềm tin, triết lý, đạo đức,…
Cần lưu ý nhân cách khác với tính cách. Tính cách là một phần của nhân cách và bao gồm các khuynh hướng của cảm xúc, thái độ và hành động được thể hiện ra ngoài như xuề xòa, vui vẻ, hài hước, nóng nảy, khiêm tốn,… Trong cùng một con người có thể có rất nhiều tính cách đa dạng, đôi khi là trái ngược, cùng tồn tại.
Nhân cách sống giống như quan tòa tối cao, là bộ lọc cuối cùng đối với mọi tri thức mà chúng ta tiếp nhận, đồng thời cũng là một trong những mắt xích kết nối tri thức với những suy nghĩ, hành động và quyết định cụ thể của chúng ta.
Đặc điểm của nhân cách sống
Đối với một con người sống trong một xã hội, nhân cách có thể được chia làm hai bộ phận: nhân cách tự thân và nhân cách tiêm nhiễm.
Nhân cách sống tự thân được hình thành một cách tự nhiên và tự do, không có sự can thiệp của các yếu tố bên ngoài. Ngược lại nhân cách sống tự thân là những sở thích, mơ ước cá nhân, triết lý chúng ta tự khám phá ra, là những nguyên tắc cốt lõi không thể khoan nhượng, là sự tự hào đối với những thành tựu của bản thân,… là tất cả những điều gì khiến cho chúng ta cảm thấy mình đang được là chính mình.
Nhân cách sống tiêm nhiễm là nhân cách có nguồn gốc từ bên ngoài, hoặc phải phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài. Nhân cách tiêm nhiễm thường thấy nhất là những chuẩn mực văn hóa và đạo đức của xã hội mà chúng ta đang sống. Ví dụ trong xã hội Việt Nam thường quan niệm người phụ nữ phải biết hy sinh chăm chồng dạy con. Vì vậy những người phụ nữ Việt Nam ngay từ nhỏ đã được dạy bảo rằng cần phải hiền thục đảm đang, gánh vác việc nhà.
Nhân cách sống không phải thứ nhất thành bất biến. Mà nó có bồi có lở, có đến có đi, có thể hoàn thiện dần dần song cũng có thể xói mòn rồi bị đánh mất. Cũng có không ít trường hợp sách vở bảo người ta nên đi theo hướng này mà đời sống lại thầm thì, mách bảo nên làm như thế kia, và rồi cả hai yếu tố trái ngược ấy sẽ cùng có mặt trong cách sống cách nghĩ của con người.
Vai trò quan trọng của nhân cách sống tạo nên giá trị của mỗi người
Người được coi là có nhân cách sống, trước hết là người có đạo đức, được đánh giá bởi những người khác. Sự đánh giá này tập trung vào lối sống của con người, trong quan hệ với công việc, với những người xung quanh, với cả bản thân mình từ thái độ đến hành vi, ứng xử.
Xác định đúng đắn về lẽ sống đối với một con người là điểm tựa tinh thần đầu tiên để con người phát triển thành một nhân cách với nghĩa là biết sống lương thiện, tử tế, có trách nhiệm với chính mình và xã hội.
Người có nhân cách sống tốt sẽ làm việc hết mình, tận tụy thực hiện bổn phận, nghĩa vụ, nhất quán giữa lời nói là việc làm – những cái mà ta thường nói, sống có tâm, có tình, có nghĩa. Và từ đó sẽ nhận được cảm tình, lòng tin, sự tôn trọng và hợp tác của người khác. Vì vậy họ có nhiều bạn đồng hành tốt trong cuộc đời. Ngược lại, người thiếu nhân cách là người thiếu những kĩ năng sống thiết yếu, dễ gặp thất bại.
Xây dựng nhân cách sống cho chính mình
Nhiều người cho rằng tính cách hay nhân cách là do môi trường tạo nên. Khẳng định này phần nào phản ánh đúng hiện thực, nhưng nó gián tiếp phủ nhận vai trò của ý chí tự do của mỗi cá nhân. Vậy, chúng ta có thể làm gì để phát triển nhân cách sống của bản thân?
Hãy dành thời gian để quan sát và suy nghĩ về tính cách, năng lực, đạo đức của bản thân: mình đối xử với xung quanh thế nào, mình thích làm và làm tốt việc gì, mình cảm thấy tức giận vì điều gì,… Đồng thời tiếp nhận sự đóng góp chân thực của người khác về mình.
Song song với việc tự quan sát bản thân, chúng ta cũng tìm kiếm và tiếp xúc với những ý tưởng, suy nghĩ, quan điểm mới mẻ để có thêm nguyên liệu cho quá trình xây dựng nhân cách, thông qua những phương tiện như sách vở, báo chí, internet, nói chuyện, hay đơn giản là quan sát từ xung quanh,…Tuy nhiên, bạn cũng cần phải chú ý trong quá trình tìm kiếm cần có sự chọn lọc, lý giải và kiểm chứng chứ không nên là sự tiếp thu vô điều kiện.
Xây dựng lối sống và đời sống văn hoá tinh thần theo các chuẩn mực giá trị về đạo đức để hình thành nhân cách sống của cá nhân. Lối sống đánh giá nhân cách của mỗi người, là nền tảng và giá trị cốt lõi nhất tạo nên đặc trưng điển hình và bao trùm cho một nhân cách sống đã chín muồi.
Nhân cách sống là gì? Đó là sự tổng hợp tất cả những gì hội tụ ở mỗi cá nhân, là phần “người” trong “con người”. Chính vì vậy, nhân cách đóng vai trò quan trọng đối với cuộc đời của một con người. Khi chúng ta nhìn nhận rõ ràng và sâu sắc hơn về nhân cách sẽ định hướng cho mình một hướng đi đúng trong việc rèn luyện nhân cách.