Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng
Trong cuộc sống văn minh hiện nay thì giao tiếp cộng đồng chính là một phần tất yếu của cuộc sống. Văn hóa ứng xử nơi công cộng sẽ giúp bạn cư xử đúng mực, là người có văn hóa trong mắt người khác. Đồng thời, đây cũng là yếu tố thể hiện sự hiểu biết cá nhân, trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng. Khi mà xã hội đang ngày càng có nhiều hành vi lệch chuẩn thì xây dựng văn hóa cộng đồng chính là cách tốt nhất để tạo nên một xã hội văn minh.
Văn hóa ứng xử nơi công cộng là gì?
Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng bao gồm những chuẩn mực đạo đức, pháp luật và nhằm hướng tới một xã hội văn minh. Đây là yêu cầu cần thiết trong xã hội ngày nay và cần tới ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân.
Xây dựng văn hóa nơi công cộng là một hành vi văn minh, thể hiện sự hiểu biết và trách nhiệm của người dân. Ngoài việc tạo ra một môi trường học tập và làm việc lành mạnh thì hoạt động này còn giúp mọi người gắn kết với nhau, phát huy tinh thần “tình làng nghĩa xóm”. Về lâu dài, những nét văn hóa tốt đẹp này sẽ được dùng để quảng bá cho hình ảnh của đất nước.
Vì những ý nghĩa to lớn mà văn hóa ứng xử chuẩn mực nơi công cộng đem lại nên chính quyền chú trọng các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích và giáo dục người dân thực hiện lối sống văn minh, hiện đại.
Các ban ngành, địa phương thường xuyên tổ chức nhiều phong trào, tiêu biểu như: “Thanh niên thanh lịch”, “Thành phố văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Nét đẹp công chức”… Những hoạt động này đều nhằm mục đích nâng cao nhận thức và tuyên truyền văn hóa ứng xử nơi công cộng tới toàn thể nhân dân. Thông qua đó, xã hội sẽ tìm ra được nhiều tấm gương sáng giữa đời thường, những việc làm có ích cho xã hội, những hành động nghĩa tình…
Ứng xử nơi công cộng là điều mà bất cứ ai cũng nên học và thực hành. Bởi chúng ta sống trong cùng một cộng đồng và không thể tách biệt. Xã hội càng phát triển thì con người lại càng có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Vì vậy, hãy sống tử tế và giúp đỡ những người xung quanh bởi biết đâu ngày nào đó, bạn sẽ nhận lại được sự giúp đỡ lớn hơn từ cộng đồng nơi mình đang sinh sống.
Thực trạng về văn hóa giao tiếp nơi công cộng
Văn hóa ứng xử không được ghi chép thành sách nhưng nó được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những nét văn hóa ứng xử này chính là những chuẩn mực đạo đức, giá trị được hình thành trong quá trình tương tác. Văn hóa ứng xử nơi công cộng được biểu hiện qua nhiều khía cạnh như lời nói, hành vi, thái độ nhằm hướng tới những điều tốt đẹp.
Trong xã hội ngày nay vẫn còn rất nhiều cá nhân cư xử không đúng mực, có những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng. Tình trạng này xuất hiện phổ biến ở mọi tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề và trở thành vấn nạn cần được giải quyết.
Để xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng, chúng ta cần tập trung vào mọi lứa tuổi và đặc biệt là giới trẻ. Bởi đây là bộ phận đông đảo và cũng chính là những mầm non tương lai của đất nước. Thực tế, vẫn còn rất nhiều hành vi xử sự thiếu văn hóa nơi công cộng như buông lời nói tục tĩu, xô đẩy nhau, phóng nhanh vượt ẩu, không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn giao thông. Những hành vi dù nhỏ như vẽ bậy lên tường, ngồi gác chân trong rạp chiếu phim, gây lộn, tranh cãi nơi đông người, không giúp đỡ người già/trẻ con/phụ nữ… cũng đều đáng lên án. Bởi những hành vi này làm cho xã hội bất ổn, thiếu văn minh và hình ảnh đất nước cũng trở nên xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế.
Ngoài những hành vi xử sự thiếu văn hóa ở trên thì một điều đáng lo ngại khác đó chính là nhiều người không có ý thức bảo vệ công trình văn hóa. Tại các khu di tích, danh lam thắng cảnh vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi, viết bậy, ăn mặc hở hang, đốt nhiều tiền vàng… Tất cả các hành vi này làm mất đi sự tôn nghiêm và nét đẹp cổ kính mà ông cha ta để lại.
Cách xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng
Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng cần ý thức tự giác và tinh thần đoàn kết của toàn thể nhân dân, mọi tầng lớp xã hội, ban ngành. Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, chúng ta có thể thực hiện các giải pháp đồng bộ sau đây:
Nâng cao nhận thức của người dân để hiểu về vai trò của văn hóa ứng xử nơi công cộng. Để tạo ra một cộng đồng lành mạnh, tiến bộ thì cần tới sự giúp sức và chung tay của từng cá nhân.
Thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo từ Đảng và chủ trương của Nhà nước về thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng và thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách, có cách cư xử văn minh với xã hội. Đối với bộ phận quản lý, cơ quan phụ trách cần bám sát quy định của Chính phủ, xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng, chuẩn mực đạo đức trong nghề nghiệp của các cán bộ, công chức.
Thứ hai, nâng cao nhận thức bằng cách giáo dục, phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội. Cần giáo dục cho thế hệ trẻ về lối sống văn minh, trang bị những kiến thức và kỹ năng sống đẹp để cư xử với người khác. Bên cạnh nâng cao chất lượng giảng dạy thì nhà trường, phụ huynh cũng tập trung vào giáo dục nhân cách sống, đạo đức, kiến thức về pháp luật để con cái trở thành người có ích cho xã hội.
Với trách nhiệm gia đình, cha mẹ cần có sự lắng nghe, nắm bắt tâm tư và chia sẻ với con em. Quan sát hành vi để giáo dục và uốn nắn ngay từ khi còn nhỏ. Đối với nhà trường, cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức bằng những bài học về đạo đức, kỹ năng ứng xử, tình huống giao tiếp đúng chuẩn mực để học sinh, sinh viên học tập. Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động cộng đồng để thế hệ trẻ thực hành và có cách cư xử văn minh với mọi người.
Thứ ba, để mỗi cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh và coi trọng văn hóa ứng xử nơi công cộng thì cần ban hành những quy định rõ ràng, chế tài đối những hành vi vi phạm chuẩn mực xã hội. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và hành lang pháp lý là cơ sở để điều chỉnh hành vi, hướng mỗi cá nhân tới lối sống văn minh, lịch thiệp hơn.
Theo đó, văn hóa ứng xử nơi công cộng là những chuẩn mực về đạo đức nhưng nó cũng có chế tài rõ ràng và yêu cầu mọi người phải thực hiện. Mỗi một hành vi vi phạm đều nên được khiển trách, xử lý để mọi người lấy đó làm gương.
Bên cạnh nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân thì chú trọng vào đầu tư nguồn lực, tài lực để xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng cũng là nhiệm vụ cần thiết. Cần có sự đồng bộ về các thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường văn minh hiện đại như: hệ thống cảng, thư viện, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí,… Những không gian này đều mang đậm sắc thái văn hóa của mỗi vùng miền và cũng là giá trị vật thể để lan tỏa những hành động tốt đẹp, hướng con người tới chân-thiện-mỹ.
Lời kết
Ngày nay, văn hóa ứng xử nơi công cộng chính là những chuẩn mực về đạo đức. Nó cũng chính là là thước đo thể hiện bản thân là một người văn minh, lịch sự và được giáo dục trong môi trường tốt. Để hình thành và lưu những nét văn hóa tốt đẹp này, xã hội cần sự chung tay của tất cả mọi người.
Ứng xử có văn hóa nơi công cộng không chỉ giúp hình ảnh cá nhân đẹp hơn trong mắt mọi người mà còn góp phần tạo ra một xã hội văn minh, hiện đại. Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập như hiện nay thì mọi người lại càng phải giao tiếp với nhau nhiều hơn. Do đó, phát huy văn hóa ứng xử nơi công cộng là một điều cần thiết. Không chỉ để hoàn thiện nhân cách cá nhân mà còn chung sức đưa đất nước phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.