Xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình
Dù trong bất kỳ thời điểm nào đi nữa thì văn hóa ứng xử trong gia đình luôn là vấn đề được coi trọng. Đặc biệt là với người dân Việt Nam, văn hóa yêu thương, chia sẻ trong gia đình đã trở thành truyền thống từ bao đời này. Bởi lẽ đó mà chúng ta có rất nhiều bài thơ, câu ca dao tục ngữ nói về tình cảm với cha mẹ, con cháu, anh chị em…
Những thứ tình cảm thiêng liêng ấy chính là nét đẹp văn hóa, là tình yêu thương đã nuôi dưỡng chúng ta nên người. Dù trong bất hoàn cảnh nào thì cũng hãy nhớ rằng, gia đình là nguồn cội, là nơi luôn sẵn sàng để che chở cho ta khi gặp giông bão.
Văn hóa ứng xử trong gia đình hiện nay
Qua bao thế hệ, người Việt Nam vẫn giữ được những nét văn hóa gia đình. Đó là tấm lòng yêu thương cha mẹ, sự chung thủy giữa vợ chồng, sự hy sinh cho con cháu, hiếu đễ với cha mẹ, hòa thuận với anh chị em…
Trong tâm thức người Việt thì những thứ tình cảm đó chính là nguồn cội, là quý giá nhất mà không có một thứ vật chất nào có thể thay đổi. Cũng bởi lẽ đó nên từ nhỏ, cha mẹ luôn dạy dỗ các con luôn phải yêu thương nhau, đùm bọc nhau.
Văn hóa ứng xử trong gia đình của người Việt luôn đề cao tình cảm gia đình. Bởi mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái chính là thiêng liêng nhất. Cha mẹ có công ơn sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta nên người. Vì lẽ đó mà có rất nhiều bài văn, bài thơ, câu ca dao tục ngữ mang tính giáo dục con người phải nhớ tới công ơn sinh thành của cha mẹ:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, thế hệ trẻ có nhiều cơ hội hơn để học tập và phát triển. Mặc dù có nhiều mối quan hệ nhưng tình cảm gia đình vẫn được đặt lên trên hết. Để gia đình hòa thuận, yêu thương nhau thì mọi người phải có sự đồng cảm và thấu hiểu. Thành viên trong gia đình vẫn phải tìm hiểu nhau, trò chuyện với nhau nhiều hơn để tránh hiểu lầm, định kiến.
Tuy nhiên, đứng trước thời kỳ hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của công nghệ, những giá trị truyền thống của gia đình đang có những biến đổi nhất định. Ngày nay, mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái cũng bắt đầu trở nên xa cách hơn, thiếu sự gắn bó. Trong gia đình không có tiếng nói chung, mỗi người một quan điểm và không thể đi tới thống nhất. Không ít bậc cha mẹ không hoàn thành trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Và cũng không thiếu nhiều trường hợp con cái bất hiếu, bỏ rơi ông bà, cha mẹ.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa vợ chồng cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây ông bà ta chỉ có quy định 1 vợ 1 chồng thì ngày nay, vấn đề ngoại tình, ly hôn, ly thân đang ngày càng phổ biến. Những mối quan hệ giữa anh, chị em cũng đang ngày càng thiếu gắn kết. Tình làng, nghĩa xóm cũng bị giảm sút vì những tính toán thiệt hơn, ích kỷ của bản thân.
Đây là những dấu hiệu cho thấy văn hóa ứng xử trong gia đình đang ngày càng giảm sút. Vì vậy, mỗi gia đình và toàn xã hội cần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình.
5 văn hóa ứng xử trong gia đình của người Việt Nam
Gia đình là tổ ấm, là nơi yên bình nhất để chúng ta cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Để gia đình luôn hòa thuận thì văn hóa ứng xử gia đình là một yếu tố không thể thiếu. Dựa vào những văn hóa này mà chúng ta có thể đánh giá được cách cư xử của một người là phù hợp hay không.
Mỗi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ truyền thống gia đình. Có 5 tiêu chí về văn hóa ứng xử trong gia đình mà ai cũng cần biết:
Tiêu chí ứng xử chung
Văn hóa ứng xử gia đình chung đó là các thành viên phải tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ với nhau.
- Tôn trọng: Coi trọng danh dự, nhân phẩm vì vì lợi ích chung của cả gia đình. Tôn trọng cha mẹ, anh chị em, những người có công ơn với mình. Tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng của nhau…
- Bình đẳng: Mỗi người đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong gia đình. Được tạo điều kiện và cơ hội thể hiện năng lực, đóng góp cho gia đình và cùng nhau thụ hưởng thành quả của sự phát triển đó.
- Yêu thương: Mỗi thành viên đều phải yêu thương, đùm bọc nhau.
- Chia sẻ: Gia đình là nơi thân thuộc và đáng tin cậy nhất để chúng ta chia sẻ với nhau. Vì vậy hãy cùng chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn.
Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng
Văn hóa ứng xử trong gia đình bao gồm cả cách ứng xử giữa vợ với chồng. Chung thủy và nghĩa tình chính là 2 tiêu chí quan trọng để xây dựng gia đình hạnh phúc, hôn nhân bền vững. Vợ và chồng cần yêu thương, chăm sóc và thấu hiểu cho nhau. Cùng nhau gánh vác trách nhiệm, nuôi dạy con cái, làm việc nhà, đóng góp tài chính…
Vợ chồng cùng tạo điều kiện cho nhau để học tập, nâng cao trình độ, tham gia vào các hoạt động kinh tế – văn hóa – xã hội.
Tiêu chí ứng xử của ông bà, cha mẹ đối với con cháu
- Cha mẹ, ông bà cần làm gương cho con, cháu trong từng lời ăn tiếng nói. Cần dành tình yêu thương và quan tâm tới con cháu.
- Có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ con, cháu cho tới khi trưởng thành.
- Trao truyền kinh nghiệm sống quý báu, giá trị truyền thống của gia đình cho con cháu. Động viên con cháu ứng xử có văn hóa, trở thành người con ngoan, trò giỏi, đóng góp cho xã hội.
Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, ông bà
- Con cháu phải hiếu thảo và lễ phép với ông bà, cha mẹ.
- Kính trọng những người lớn tuổi trong gia đình
- Quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với đấng sinh thành và các thành viên khác trong nhà.
- Cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức để trở thành con ngoan trò giỏi
- Phụ giúp cha mẹ công việc nhà phù hợp với độ tuổi, giới tính.
- Chăm sóc ông bà, cha mẹ khi ốm đau, già yếu.
Từ xa xưa, văn hóa ứng xử trong gia đình của người Việt luôn coi trọng vấn đề lễ nghĩa, gia giáo. Vì vậy mà mỗi thành viên trong gia đình đều phải thực hiện nghiêm ngặt. Tình cảm gia đình là thiêng liêng nhất và chúng ta cần phải biết ơn, tự hào về nó.
Con cháu trong nhà phải sống hiếu thảo, là người con ngoan, cháu giỏi. Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái đã được nâng lên thành đạo làm cha mẹ, đạo làm con. Vì vậy mà người Việt Nam luôn có phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên, đạo cha mẹ, thực hiện đúng ý nghĩa của câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”.
Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em
Anh chị em trong cùng một nhà phải hòa thuận, tôn trọng và bảo ban nhau những điều hay. Anh chị phải bao dung với em còn em thì kính trọng anh chị. Mọi người cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình và giúp đỡ bố mẹ, đoàn kết để cùng nhau vượt qua những khó khăn.
Có thể nói rằng, gia đình là nguồn cội, là nền tảng vững chắc của xã hội. Xã hội càng phát triển thì chúng ta càng phải giữ gìn những nét văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình. Những lễ nghĩa, gia phong ấy là cội nguồn để xây dựng gia đình hạnh phúc, là yếu tố nội sinh vững chắc cho một xã hội Việt Nam hiện đại.
Lời kết
Văn hóa ứng xử trong gia đình là những nét văn hóa đẹp đẽ cần được giữ gìn và phát huy. Gia đình là tế bào của xã hội, chỉ khi một gia đình hạnh phúc thì mới tạo nên một xã hội khỏe mạnh. Những văn hóa ứng xử này giúp chúng ta trở thành người con có hiếu, cư xử đúng mực với các thành viên trong gia đình. Mỗi gia đình cần nhận thức được ý nghĩa to lớn của văn hóa ứng xử gia đình, chủ động phát huy những truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.