Văn hóaKỹ năng sống

Văn hóa ứng xử là gì? Thực trạng văn hóa ứng xử hiện nay như thế nào?

Cùng với sự phát triển của xã hội, kéo theo đó là sự thay đổi về giá trị đạo đức, văn hóa, lối sống của con người. Đâu đó những câu chửi thề, những lời nói cắt nghĩa hay hành động thiếu trách nhiệm đã quá quen thuộc với mọi người. Tất cả phải chăng vì sự thiếu hiểu biết về văn hóa ứng xử mà ra? Vậy, văn hóa ứng xử là gì? Thực trạng văn hóa ứng xử hiện nay ra sao mà lại khiến nhiều người quan tâm đến vậy.

Văn hóa ứng xử là gì?

Văn hóa ứng xử của người Việt là một nét đẹp truyền thống lâu đời cần được lưu giữ, là giá trị cốt lõi để giải quyết mọi vấn đề. Khi đã hiểu sâu sắc ý nghĩa thực sự của nó ta mới thấy rằng: có những điều tưởng chừng rất phức tạp nhưng lại được hóa giải một cách giản đơn nhờ biết ứng xử đúng cách.

Khái niệm văn hóa ứng xử được hiểu là cách ứng xử của con người đối với những sự việc diễn ra trong cuộc sống, được đánh giá thông qua thái độ, lời nói, cử chỉ, hành vi, tốc độ xử trí,.. Văn hóa ứng xử là liều thuốc chữa lành mọi mối quan hệ, là cách gắn kết tình thương giữa người với người, là tiền đề cho mọi sự trân trọng, yêu thương tồn tại trong xã hội.

Đồng thời, nó phản ánh tính cách, trình độ hay sự giáo dục của một người. Người ứng xử có văn hóa là người biết lễ độ, biết đối nhân xử thế, hiểu mình hiểu người để hành xử đúng đắn, văn minh.

Văn hóa ứng xử là gì?
Văn hóa ứng xử là tiền đề cho mọi sự trân trọng, yêu thương

Tầm quan trọng của văn hóa ứng xử

Văn hóa ứng xử thể hiện năng lực trí tuệ, khả năng ứng biến, tư duy của con người trong thực tiễn cuộc sống. Từ xa xưa, năng lực giao tiếp có văn hóa đã được ông cha ta xem là thước đo để đánh giá nhân cách, đạo đức con người: “Vàng thì thử lửa, thử than/chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”.

Văn hóa ứng xử là chiếc chìa khóa để chúng ta tiếp xúc với xã hội, tiếp xúc với sự  hiểu biết, văn minh, lịch sự, là kim chỉ nam dẫn dắt giúp cuộc sống được tốt đẹp hơn.

Văn hóa ứng xử ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày và quyết định đến sự thành công trong sự nghiệp của mỗi cá nhân. Chẳng hạn, một người tuy chưa giỏi chuyên môn, nhưng biết ứng xử giao tiếp hợp tác, hòa đồng với mọi người thì ắt hẳn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn người có chuyên môn giỏi nhưng kiêu ngạo, chủ quan, ứng xử thiếu văn hóa.

Ý nghĩa của văn hóa ứng xử cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Văn hóa ứng xử lành mạnh sẽ là động lực để xã hội phát triển toàn diện cả về an ninh, kinh tế, chính trị, ngoại giao,…

Thực hiện tốt văn hóa ứng xử giúp cải thiện mối quan hệ giữa người với người, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Ta cư xử với nhau chan hòa, dùng tình thương để xoa dịu vấn đề, đứng trên vị trí của người khác để cảm thông và thấu hiểu sẽ là cách mở nút nhanh nhất cho mọi hiềm khích.Từ đó, dễ dàng giao lưu, trao đổi và kết nối với nhau, giúp gắn chặt tình đoàn kết, tạo tiền đề cho việc hợp tác bền vững về sau.

Thực trạng văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay

Xã hội ngày càng phát triển, hành vi ứng xử của con người có sự giao thoa mạnh mẽ. Cùng với đó là sự bùng nổ của công nghệ khiến giới trẻ có cơ hội tiếp thu nguồn văn hóa đa chiều để biết cách ứng xử tiến bộ, hợp tình, hợp lý hơn.

Thực trạng văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay
Nhữn hành động đẹp về văn hóa ứng xử vẫn diễn ra thường nhật

Mặt khác, ứng xử văn hóa cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nếp sống gấp, sống nhanh của một số bộ phận thanh niên. Những thanh thiếu niên ở độ tuổi ăn chưa no, nghĩ chưa tới rất dễ bị cám dỗ, thao túng vì hành động thiếu văn hóa. Ứng xử thiếu văn hóa là gì? Hành vi ứng xử cục cằn, thô lỗ, mất lịch sự, thiếu tôn trọng, văng tục chửi thề, dùng những câu từ khó nghe để chì chiết nhau hay hành động vứt rác bừa bãi, làm ồn nơi công cộng,… của giới trẻ vẫn diễn ra thường nhật.

Đặc biệt thực trạng suy đồi trong lối sống buông thả, hưởng thụ, coi nhẹ các chuẩn mực đạo đức của giới trẻ rất phổ biến. Một số còn hào hứng đón nhận những thói hư tật xấu, không ngần ngại thử qua các tệ nạn xã hội hoặc dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Ví dụ, với những cư xử đời thường như: một lời chào hỏi, dạ thưa, một lời xin lỗi khi lỡ lời nói sai cũng gây ra bất đồng, hiềm khích.

Trên các trang mạng xã hội cũng rất dễ dàng bắt gặp nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Do xích mích với bạn bè cũng đăng lên mạng xã hội nói xấu, chửi bậy; do buồn chuyện gia đình không kiềm chế được cảm xúc cũng đăng lên nói nhau; hay đòi nợ, chuyện tình yêu đôi lứa, bóc phốt nhau,…

Có sự biến tướng trong văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay một phần phát sinh từ chính nhận thức của bản thân các em. Hơn nữa, những cám dỗ trước nay luôn dễ thu hút sự tò mò của độ tuổi mới lớn. Ví như câu nói: “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.”

Nhất là tuổi trẻ với tâm lý luôn muốn thể hiện mình, thực hiện những hành động đi ngược đạo lý nhằm thu hút sự chú ý. Một số còn do nền tảng giáo dục của gia đình và nhà trường chưa thực sự sát sao.

Điều đáng lo ngại là phần lớn chúng ta chẳng ai đứng ra lên án, cũng chẳng phê bình những hành động đó. Và dần dần như thế những văn hóa xấu cứ vẫn len lỏi trong từng ngóc ngách cuộc sống, ta ngấm ngầm đón nhận chúng như một điều hiển nhiên.

Cần làm gì để khắc phục tình trạng ứng xử thiếu văn hóa?

Cần làm gì để khắc phục tình trạng ứng xử thiếu văn hóa?
Giáo dục để nâng cao văn hóa ứng xử luôn là biện pháp hữu hiệu nhất

Trước thực trạng văn hóa ứng xử đang bị xuống cấp nghiêm trọng, biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao văn hóa ứng xử đó là giáo dục phải có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó:

  • Trước tiên mỗi cá nhân cần tự giác ý thức, nâng cao hiểu biết về văn hóa ứng xử, từ đó áp dụng vào thực tế cuộc sống.
  • Cần uốn nắn văn hóa ứng xử cho con người từ khi còn non trẻ, bố mẹ phải là tấm gương về cách ứng xử văn hóa để con cái noi theo, học tập.
  • Hình thành lối ứng xử văn hóa văn minh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền  giáo dục về đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên
  • Lồng ghép nội dung tuyên truyền về văn hóa ứng xử trong chương trình phổ thông
  • Chú trọng tuyên truyền về nền văn hóa dân tộc cho tầng lớp thanh niên, tổ chức các buổi tập huấn về văn hóa ứng xử nơi công cộng cho mọi tầng lớp.
  • Mạnh mẽ lên tiếng, dám phản ánh, phê bình những hành vi ứng xử thiếu văn hóa một cách quyết liệt hơn nữa.

Quả thực, “Văn hóa ứng xử là gì?” không còn là một câu hỏi đơn thuần. Đây chính là kiến thức, là kỹ năng mà mỗi ai trong chúng ta cũng cần nhìn nhận, học hỏi để trau dồi thêm. Giao tiếp có văn hóa là cơ sở để giúp ta có những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, làng xóm, cộng đồng. Vậy nên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy chọn cho mình cách cư xử đẹp nhất bạn nhé!

5/5 - (2 bình chọn)

Phan Hiền

Chia sẻ kinh nghiệm, những giá trị sống tích cực đang được rất nhiều các bạn trẻ học tập và làm theo.
Đăng ký nhận thông báo
Nhận thông báo
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Back to top button