Lòng nhân ái và Giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam từ thời dựng nước đến nay
Lòng nhân ái là giá trị văn hóa của mỗi con người, của cộng đồng, của dân tộc Việt đã hun đúc tự bao đời. Nó đã trở thành truyền thống tốt đẹp ẩn chứa những giá trị đạo đức theo dòng thời gian, được lưu truyền qua các thế hệ, là sức mạnh và động lực của dân tộc.
Lòng nhân ái là gì?
Nhân ái là tình yêu thương con người. Lòng nhân ái là cách con người trao yêu thương cho nhau. Lòng nhân ái thuộc đời sống tinh thần, đời sống tình cảm, ẩn chứa sâu sắc trong tâm hồn các giá trị Chân – Thiện – Mỹ.
Trong cuộc sống đời thường, lòng nhân ái chính là sự bao dung, rộng mở, là cách chúng ta trao yêu thương, đem đến cho nhau hạnh phúc. Nó được biểu hiện ở các hoạt động hàng ngày như: Cử chỉ, lời nói, hành động, những người có tấm lòng nhân ái sẽ cảm thấy hạnh phúc khi trao đi, giúp đỡ được một hoàn cảnh nào đó trong cuộc sống. “Người yêu người, sống để yêu nhau” như cách nói của nhà thơ Tố Hữu!
Biểu hiện của lòng nhân ái được hun đúc từ bao đời nay
Lòng nhân ái, tinh thần nhân đạo là một điều gì đó quá đỗi quen thuộc trong đời sống người Việt, tồn tại từ ngàn xưa đến nay. Tinh thần ấy thể hiện giản dị trong tình làng, nghĩa xóm, trong sự bảo bọc, che chở, giúp đỡ nhau lúc tắt lửa tối đèn, vui buồn hoạn nạn của mỗi người, mỗi gia đình trong cộng đồng.
Những bài học, nghị luận về lòng nhân ái xuất hiện nhiều trong văn chương, ca dao tục ngữ, đó là khi Nguyễn Trãi viết “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, là Nguyễn Du khẳng định “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”, là khi Nguyễn Đình Chiểu khắc họa lên nhân vật Lục Vân Tiên thấy chuyện bất bình lăn xả giúp người, không khoanh tay nhắm mắt để khư khư giữ thân.
Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng nhân ái, hiếu nghĩa và Hồ Chí Minh – Vị cha già của dân tộc, chính là hình tượng cao cả về lòng nhân ái của dân tộc Việt. Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; cho sự nghiệp đấu tranh xây dựng một thế giới hòa bình, nhân ái và phát triển. Quan điểm “vì con người” của Bác đã trở thành một triết lý nhân sinh cao cả, kết tinh từ những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại.
Lòng nhân ái, tinh thần nhân đạo không chỉ là một thói quen sống, một cách hành xử đạo đức được dạy dỗ lưu truyền từ các thế hệ. Đó là một mạch nguồn âm thầm chảy trong lòng dân tộc từ ngàn xưa. Mạch ngầm ấy thấm sâu vào mỗi một con người trên đất Việt, nó định hình cho họ một lối sống, một quan niệm, giá trị sống riêng.
Ý nghĩa của lòng nhân ái toả sáng trong bão giông, khó khăn
Minh chứng rõ ràng về lòng nhân ái của dân tộc Việt được cụ thể trong những lúc đất nước gặp nhiều khó khăn. Khi đồng bào miền Trung – khúc ruột miền Trung phải oằn mình chống chọi với thiên tai, bão lũ. Bao đau thương mất mát về người, về của cứ dồn dập, liên tiếp “xé nát miền Trung”. Bằng tình cảm “máu chảy ruột mềm”, trong cộng đồng xã hội đã dấy lên tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết gắn bó bên nhau hướng về miền Trung ruột thịt, hàng trăm xe cứu trợ của người dân mọi miền tổ quốc đều hướng về miền Trung đau thương.
Trong đại dịch Covid-19, “Không có ai bị bỏ lại ở phía sau” câu nói ấy đã như một kim chỉ nam trong mọi hành động phòng, chống dịch của Việt Nam. Đó chính là một biểu hiện rõ nét của tính nhân đạo, của tinh thần nhân văn dân tộc Việt.
Quả thật, cho đến giờ phút này, không ai bị bỏ lại ở phía sau. Cả những kiều bào, du học sinh… đang sống và làm việc trong vùng dịch, đau đáu trở về, được đất nước cử phi hành đoàn sang đón. Khi trở về, được đối xử tử tế, được chữa trị tận tình.
Hay như những du khách nước ngoài mắc kẹt ở Việt Nam, được ngành Y tế trong nước hết lòng cứu chữa. Biết bao lời tri ân, bao lá thư gửi gắm lòng cảm ơn nhiệt thành của kiều bào, ngoại kiều đã minh chứng cho điều đó.
Trong gian nan mà dịch bệnh đem lại, mỗi một phận đời đều gặp khó theo cách của riêng mình. Lần lượt, những bàn tay đã giang ra để giúp đỡ, nâng đỡ họ. Những người bán vé số nghỉ bán do dịch được cấp tiền để sinh sống hàng ngày. Những người dân nghèo được người ít khó khăn hơn chung tay phát chẩn, thực hiện ATM gạo… Những quán ăn tình nghĩa “0 đồng” được nhân rộng trong mùa dịch. Nhiều chủ nhà giảm giá nhà cho khách thuê… Người Việt đang đối xử với nhau bằng nhiều tấm lòng, nhiều chân tình hơn bao giờ hết.
“Lòng nhân ái mang một sức mạnh lớn lao nó làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”. Ngạn ngữ Nga từng nói “Nơi lạnh giá nhất không phải Bắc Cực mà là nơi không có tình yêu thương”, nếu như trái đất không có tấm lòng yêu thương thì lạnh lẽo, cuộc sống sẽ trở thành địa ngục. Thế mới thấy ý nghĩa của lòng nhân ái có vai trò quan trọng như thế nào.
Nhà sư phạm người Nga từng nói “Nếu đứa trẻ dửng dưng với những gì đang diễn ra trong trái tim của người bạn, người anh em, của bố mẹ mình hoặc của bất cứ một đồng bào nào mà em gặp, nếu đứa trẻ không biết đọc trong mắt người khác điều đang xảy ra trong trái tim người đó thì đứa trẻ chẳng bao giờ trở thành con người chân chính” hay “Không phải là tài năng, không phải là danh dự, không phải là thị hiếu để đo được sự cao quý của tâm hồn… mà chính lòng nhân ái mới làm nên điều cao quý ấy”.
Chính vì vậy, lòng nhân ái là cội nguồn của đạo đức, văn minh. Cuộc sống sẽ tốt đẹp, ý nghĩa hơn khi lòng nhân ái được lưu giữ và truyền dạy cho các thế hệ con cháu.