Nghị luận về lòng nhân ái và sự vô cảm trong xã hội ngày nay
Lòng nhân ái và sự vô cảm là hai thái độ sống đối lập nhau. Nếu như vô cảm là một căn bệnh quái ác thì lòng nhân ái sẽ là liều thuốc hữu hiệu cho căn bệnh đó. Và vô cảm của lòng người đáng sợ bao nhiêu thì lòng nhân ái thật đáng quý trọng bấy nhiêu. Trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ lý giải căn nguyên của căn bệnh vô cảm và lòng nhân ái chính là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng giúp mỗi người, toàn xã hội “sống là để sẻ chia”.
Lòng nhân ái là gì? Sự vô cảm là gì?
Steve Godier đã khẳng định: “Lòng nhân ái là biểu hiện cao đẹp nhất của con người”. Nhân ái là cái gốc của đạo đức, là nền tảng của luân lí xã hội. Không có tình thương con người chỉ tồn tại, sinh tồn, trái tim chưa ngừng đập nhưng sống cũng chỉ là vô nghĩa.
Lời dạy của cha ông ta “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lý của người Việt Nam. Tính nhân văn, lòng nhân ái phải là chân lý, ngọn lửa sưởi ấm trái tim, là ánh sáng trong cuộc đời mỗi người và toàn xã hội.
Thế nhưng ngày nay, bên cạnh nhiều nét đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta với những con người luôn biết cống hiến, đồng cảm, chia sẻ, cưu mang, giúp đỡ người khác, thì cũng có không ít kẻ sống ích kỷ, vô trách nhiệm, vô cảm, vô đạo đức.
Sự vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, “máu lạnh” với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Nguyên nhân của căn bệnh xã hội này là do những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Khi giá trị của đồng tiền lên ngôi, con người dường như bị “ma lực” của nó chi phối và điều khiển. Thêm vào đó là sự phát triển vượt bậc của công nghệ khiến con người dửng dưng vô cảm với nhau.
Martin Luther King từng nói rằng: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói, hành động của những kẻ xấu mà còn sự im lặng đáng sợ của những người tốt”. Trước những hoàn cảnh đau thương, chúng ta vô cảm với nỗi đau của đồng loại, bởi sợ liên lụy, mang vạ vào thân.
Chính vì vậy, sự vô cảm chính là “căn bệnh quái ác” của xã hội cần phải triệt tiêu.
Ngăn chặn căn bệnh vô cảm trong xã hội
Vô cảm biến con người thành những kẻ vô tri vô giác, vô lương tâm. Họ chỉ biết đến bản thân mình mà không hề suy nghĩ đến người khác, họ không màng đến nỗi khổ đau của đồng loại. Họ làm xói mòn những giá trị đạo đức tốt đẹp, họ vô tình biến mình thành những tên tội phạm bất chấp đến tính mạng của những người xung quanh.
Hằng ngày, trên các mặt báo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, chúng ta thấy tràn ngập các vụ việc thuộc loại ” cướp, giết, hiếp” hay “tiền, tình, tù tội”, nhiều vụ kinh hoàng, sởn gai ốc. Điều này, phơi bày sự vô cảm đến tàn nhẫn của con người trong xã hội ngày nay. Đó là sự suy đồi về lối sống, suy thoái về đạo đức.
Trên bình diện xã hội, bệnh vô cảm đã phản ánh sự suy giảm nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội. Thái độ dửng dưng đang khiến cho cái xấu, cái ác lây lan, tàn phá cuộc sống, phá hoại những giá trị đẹp đẽ của con người và hủy diệt truyền thống đạo lý tốt đẹp của nhân loại.
Chữa trị sự vô cảm bằng chính lòng nhân ái
Lòng nhân ái chính là liều thuốc hữu hiệu cho “căn bệnh quái ác” vô cảm. Nhân ái thật đáng quý. Nó góp phần xây dựng nên một xã hội tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Sự vô cảm như dòng nước lũ cuốn trôi đi tất cả những đạo lý truyền thống tốt đẹp thì lòng nhân ái như một cây đại thụ giữa dòng nước cuồn cuộn đấy để chúng ta bám víu.
Để đẩy lùi sự vô cảm trong xã hội, chúng ta cần xây dựng văn hóa ứng xử, tạo đời sống tinh thần phong phú, mà ở đó các giá trị tinh thần, đạo đức của xã hội được xác lập rõ ràng, thể hiện mạnh mẽ, để ai làm những điều xấu cũng phải sợ, cũng phải ngại. Nếu cái tốt, cái thiện ở thế thượng phong thì chắc chắn cái xấu, cái ác sẽ từng bước bị đẩy lùi, sự vô cảm sẽ mất dần đi.
Biện pháp nuôi dưỡng lòng nhân ái
Tất cả chúng ta đều phải day dứt trước câu hỏi: Bây giờ đời sống của người Việt Nam mình khấm khá hơn trước rất nhiều nhưng tại sao bệnh vô cảm lại nặng hơn? Như thế càng thấy rõ, không phải cứ nghèo là vô cảm, không phải cứ túng là làm liều.
Thuốc chữa bệnh vô cảm chính là những giá trị truyền thống của dân tộc, thẩm thấu vào trong đời sống xã hội. Xã hội cần có ngọn lửa nhân ái lan tỏa, những người hoạn nạn càng cần ngọn lửa nhân ái sưởi ấm họ. Đó chính là tiêu chí của một xã hội văn minh, một xã hội có đạo đức.
Trước hết là giáo dục con cháu bằng các hành vi ứng xử mẫu mực của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi. Trẻ em khi được giáo dục tốt, lòng nhân ái sẽ được hình thành như một nét nhân cách độc đáo. Lòng nhân ái được xem như ngọn đuốc để dẫn đường cho mọi hành động. Giúp con người biết vượt lên chính mình, biết nghĩ đến người khác…
Tại sao lòng nhân ái và sự vô cảm không thể tồn tại song song cùng nhau?
Lòng nhân ái khiến con người biết buông bỏ cái tôi ích kỷ, hiểu được giá trị của yêu thương. Dường như không ai tự nhận mình là xấu, bởi mỗi người có một suy nghĩ, tình cảm của riêng mình. Con người sẽ ý thức được việc phải sống có tình người, giúp đỡ những người xung quanh.
Lòng nhân ái của con người chính là sức mạnh lớn lao giúp nhân loại vượt qua khó khăn. Thời điểm dịch bệnh Covid 19 hoành hành khiến cuộc sống con người chao đảo, ai khó khăn càng khó khăn hơn. Chính lúc đấy, những việc làm thể hiện lòng nhân ái của con người trỗi dậy mạnh mẽ. Bạn có thể thấy những bữa cơm 0 đồng, khẩu trang miễn phí, cây ATM gạo miễn phí,…
“Lòng nhân ái mang một sức mạnh lớn lao làm cho cuộc sống nhân loại trở lên tốt lành”. Ngạn ngữ Nga đã từng nói như vậy bởi “Nơi lạnh giá nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình yêu”. Nếu không có tình yêu thương, cuộc sống sẽ trở thành địa ngục, Trái Đất sẽ trở thành nấm mồ lạnh giá.
Nhà sư phạm người Nga XuKhomLinxki đã nói: “Nếu những đứa trẻ dửng dưng với những điều đang xảy ra trong trái tim người bạn, bố mẹ hoặc bất cứ người đồng bào nào em gặp. Nếu những đứa trẻ không biết đọc trong ánh mắt người khác trong trái tim người đó sẽ không bao giờ trở thành con người chân chính”.
Lòng nhân ái và sự vô cảm là hai thái độ sống đối lập nhau. Chúng ta cần phải lên án những hành vi vô cảm, thờ ơ với nỗi đau của người khác, tránh xa lối sống dửng dưng chỉ biết đến bản thân mình. Mỗi chúng ta phải biết yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh, đặc biệt là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn.
Một xã hội vô cảm sẽ là một “xã hội chết”, chính vì vậy, sự vô cảm không được tồn tại. Cần lắm những tấm lòng nhân ái, biết yêu thương, san sẻ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn để xoá đi sự vô cảm, cái nhìn dửng dưng. Góp sức mình xây dựng một xã hội nhân văn, công bằng và phát triển.