Đời sốngTài liệu

“Bán anh em xa, mua láng giềng gần” nói lên điều gì?

Câu tục ngữ “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, đề cao quan hệ tình làng nghĩa xóm.Hãy cùng Giatricuocsong đi phân tích để làm rõ bản chất của câu tục ngữ qua bài viết  dưới đây nhé!

Bán anh em xa mua láng giềng gần là gì?

Câu tục ngữ “Bán anh em xa mua láng giềng gần” là bài học về cách đối nhân xử thế. Nó khuyên răn mỗi người nên xây dựng mối quan hệ vui vẻ hòa đồng với hàng xóm láng giềng kề bên. Cũng bởi, anh em họ hàng dù là thân tình, dù là máu mủ nhưng ở xa,  hễ có việc hệ trọng và khẩn cấp thì không thể nào tới ngay được.

Bán anh em xa mua láng giềng gần là gì?
Quan hệ làng xóm làng giềng gần kề là mối quan hệ khăng khít, mật thiết của người Việt từ ngàn đời nay

Điều này lại như gợi nhắc chúng ta đến câu tục ngữ “Nước xa không cứu được lửa gần”. Khi người thân không có ở đây thì những người hàng xóm sẽ sẵn sàng sẻ chia khó khăn với bạn. Sự giúp đỡ, đùm bọc của những người “cận lân” trong lúc hoạn nạn là rất cần thiết. Hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn” có nhau. Ngay cả những lúc vui vẻ sum vầy cũng cần chia sẻ niềm vui, để động viên nhau trong cuộc sống, lúc này những người bạn gần, “ới một tiếng” là có mặt cũng rất quan trọng.

“Bán anh em xa mua láng giềng gần” chỉ là một lối nói hình tượng đề cao tình làng nghĩa xóm. Câu tục ngữ cho chúng ta thấy rằng: Quan hệ anh em ruột thịt là rất đáng coi trọng, nhưng nếu điều này bị hạn chế bởi khoảng cách không gian thì ta phải biết tìm và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với hàng xóm láng giềng. Họ là một phần của mọi sinh hoạt đời sống diễn ra hàng ngày, có khi cả cuộc đời.

“Bán anh em xa mua láng giềng gần”: Có hợp đạo lý?

Ai đó mới đọc qua, mà nếu lại là người nước ngoài học tiếng Việt, hẳn là sẽ giật mình trước cách nói của câu tục ngữ này. “Anh em như thể tay chân”, ai cũng có và vô cùng cần thiết, vậy lẽ nào có thể đem đổi lấy những người láng giềng “người dưng nước lã” ư? Chuyện bán mua ở đây phải chăng mang màu sắc thương mại, và vì vậy, có thiếu tính nhân văn đạo lý không?

“Bán anh em xa mua láng giềng gần”: Có hợp đạo lý?
Sự sẻ chia, tình đoàn kết của anh em ngõ xóm

Như giải thích ở trên thì không có một cuộc mua bán nào ở đây. Bán anh em xa, mua láng giềng gần cũng bởi lẽ: Anh em máu mủ thân thiết thật đấy, nhưng vì khoảng cách địa lý, vì cuộc sống lo toan bộn bề, vì ai cũng có gia đình riêng, có dịp gì mới ghé qua nhà nhau. Xa xôi là vậy, máu mủ là vậy nhưng lúc cần có khi mãi mới thấy mặt nhau. Trong khi, hàng xóm là người gần như chạm mặt ta mỗi ngày, cần việc gì hàng xóm lại xúm vào, mỗi người sắn một tay, có cuộc vui nào họ lại sẻ chia với ta. Câu tục ngữ chỉ muốn nhấn mạnh rằng khi đến một nơi xa mà không có người thân ruột thịt thì phải biết yêu những người xung quanh, yêu những người hàng xóm. Cho nên việc “mua láng giềng gần” như một cách giúp cho chính bạn thích nghi được với cuộc sống nơi phương xa đó.

Truyền thống đoàn kết “tình làng nghĩa xóm” trong xã hội ngày nay

Khi về sống và trải nghiệm tại các vùng quê bạn mới thấm thía câu tục ngữ “Bán anh em xa mua láng giềng gần” như thế nào. Cuộc sống hàng ngày ở đây đúng là sớm lửa, tối đèn có nhau. Vay “bò” gạo, xin thìa muối, bát dưa, hễ có món ngon lại đưa sang nhà nhau, đi đâu chơi xa là có quà, rồi nhờ đánh gió, thỉnh thoảng sang nhà nhau chơi dăm ba câu chuyện cùng với chén trà hay các bà các mẹ ngày hè thường ngồi hóng mát, nói chuyện rôm rả dưới mấy gốc cây đại thụ,… là việc bình thường.

Thực tế thì hàng xóm cũng có người này người khác và đôi khi gây phiền hà, đôi khi vì ích kỷ, chấp nhặt, hiểu lầm mà sinh chuyện ầm ĩ, thậm chí có hàng xóm “không nhìn mặt nhau”. Nhưng nhìn chung mọi người sống tình nghĩa, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ. Người sống kiểu “Của mình thì giữ bo bo – Của người thì để cho bò nó ăn” thường bị xa lánh, thành chủ đề đàm tiếu.

Truyền thống đoàn kết “tình làng nghĩa xóm” trong xã hội ngày nay
Ngày nay, mối quan hệ làng giềng vẫn giữ nguyên giá trị

Trong những thôn xóm, hầu như đều biết nhau, hễ hỏi thăm là rất nhiệt tình chỉ giúp. Thậm chí có người còn biết rõ trong đám trẻ nghịch ngợm trèo me trèo sấu rằng “thằng ấy con ông A, con bà B”.  Hiện tại ở đô thị, cư dân sống trong các xóm ngõ ít nhiều còn duy trì lối sống láng giềng. Chẳng hạn như: gọi nhau sang nhà chơi, nhờ qua chợ tiện mua giúp luôn mớ rau, lạng thịt, gọi nhau đi siêu thị, tập yoga, giúp đưa đám trẻ đi học. Lúc rảnh rỗi, mấy ông chồng tụ tập làm chai bia, chơi ván cờ.

Có thể thấy tình làng nghĩa xóm ở thành phố, khu đô thị được thể hiện rõ nhất trong đợt dịch covid vừa qua. Những đợt cách ly, những ai không bị cách ly trong nhà, khi có đợt tiếp tế của nhà nước, hàng xóm gần nhà sẽ lấy hộ cho bó rau, nước mắm, gạo,… Hay không thể đi chợ được những người hàng xóm sẽ đi chợ hộ.

Sống ở biệt thự liền kề hay chung cư hiện đại, “ai biết nhà ấy”, hàng xóm ở gần nhau mà không biết tên nhau cũng là hiện tượng dễ nhận thấy. Liệu đến ngày nào đó, lối sống “đèn nhà ai nhà nấy rạng” có lên ngôi, có thay thế “bán anh em xa mua láng giềng gần”? Liệu ngày nào đó, “bán anh em xa mua láng giềng gần” chỉ còn là giá trị của quá khứ, là hoài niệm của người cao tuổi?

Bán anh em xa mua láng giềng gần”câu tục ngữ giúp cho người đọc thấy được sự cần thiết cũng như tầm quan trọng của những người hàng xóm. Tình làng nghĩa xóm cũng được xem là một trong những thứ tình cảm đẹp và đáng có của mỗi con người.

3.2/5 - (5 bình chọn)

Phan Hiền

Chia sẻ kinh nghiệm, những giá trị sống tích cực đang được rất nhiều các bạn trẻ học tập và làm theo.
Đăng ký nhận thông báo
Nhận thông báo
guest

1 Comment
Mới nhất
Cũ nhất Yêu thích nhát
Inline Feedbacks
View all comments
vô danh

thằng bán cả hai: B)

Back to top button